Muốn đầu tư nhiều hơn tại quê hương

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 06:19, 18/02/2013

(HNM) - Trở về Việt Nam đón Tết, mỗi bà con Việt kiều đều mang theo tâm trạng khác nhau. Trả lời phỏng vấn báo chí, nữ doanh nhân Việt kiều tại Thụy Điển Helene Văn bày tỏ mong muốn được đầu tư nhiều hơn tại quê hương.


Nỗ lực thành danh

Đây là lần thứ hai Helene Văn đón Tết cổ truyền tại Việt Nam. Chia sẻ về bí quyết trở thành một doanh nhân thành đạt tại Thụy Điển, Helene Văn cho biết, chị rất thích câu châm ngôn: "Cuộc đời là trường học, kiến thức là vô tận". 

Nữ doanh nhân Helene Văn.


Chị kể: "Tôi rất chăm học ngay từ khi còn ở Việt Nam. Tôi đã tốt nghiệp Khoa Cơ khí, Đại học Bách khoa, năm 1982; rồi tốt nghiệp Khoa tiếng Anh, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, năm 1990. Khi gặp ông xã ở thăm Việt Nam, anh nói: "Ở Thụy Điển, anh nghèo lắm, không nuôi nổi vợ đâu" nhưng tôi vẫn quyết định theo chồng. Tôi không quản ngại vì mình đã tự lập từ bé. Việc đầu tiên khi sang đến Thụy Điển, tôi đi xin số bảo hiểm xã hội cá nhân và đi xin việc làm. Câu đầu tiên họ hỏi là "Bà muốn làm gì?" Tôi nói muốn làm giáo viên. Họ nhìn tôi rồi bảo: "Làm ơn điền vào, xin quét dọn và rửa chén!".

Câu nói này khiến Helene Văn quyết tâm phải trở thành giáo viên bằng được. Helene Văn đến trung tâm ngoại ngữ xin học tiếng Thụy Điển. Chị chỉ mất 4 tháng để nói thông thạo ngôn ngữ này trong khi nhiều người khác phải mất hàng năm trời. Sau đó, chị được nhận làm giáo viên tại Phòng Giáo dục Stockholm. Một năm rưỡi Helene Văn làm giáo viên, chị tiếp tục học nâng cao tiếng Thụy Điển vào buổi tối, học đánh máy, học lập trình, học kế toán và kiểm toán, học chứng chỉ phiên dịch… Chị tự nhủ, đây không phải nghề gắn bó lâu dài, Helene Văn quyết tâm tìm kiếm những công việc có thách thức cao hơn. Năm 1991, Helene Văn đã tốt nghiệp Cao học Khoa tiếng Thụy Điển.

Sau đó, chị quyết định tham dự khóa dự tuyển chuyên gia vào thị trường quốc tế của Thụy Điển, với sự giảng dạy của những giáo sư nổi danh nhất. Chị là một trong 20 kỹ sư trúng tuyển khóa Chuyên gia Thị trường kinh tế quốc tế (Đại học Stockholm) khóa 1993-1994. Sau đó, chị là kỹ sư Việt Nam đầu tiên được nhận vào làm việc tại Ericsson ở Stockholm và là chuyên gia nước ngoài duy nhất làm việc tại Phòng Thị trường vùng. Mỗi chuyên gia phụ trách 2 đến 3 nước.

"Tôi là người viết giải trình về thị trường di động Việt Nam để Ericsson đầu tư vào Việt Nam. Sau 9 tháng làm việc tại Việt Nam, một công ty mời tôi về làm Tổng Giám đốc. Tôi nghĩ mình đang còn trẻ nên phải bay nhảy và đã quyết định rời Ericsson, nơi cho tôi việc làm tốt và mức lương cao, để thử sức với công việc mới. Sau đó, tôi quyết định mở công ty riêng, 1 rồi 2 và cuối cùng là 3" - Helene Văn chia sẻ. Ngay sau khi mở công ty cuối năm 1995, Helene Văn đã đưa nhiều đoàn Việt Nam sang tham quan Thụy Điển, dự hội chợ quốc tế và đi thăm các nước Bắc Âu, Pháp... Chị đã hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa doanh nghiệp trong nước tham dự các hội thảo du lịch.

Trở về Việt Nam đầu tư

Vậy lý do nào khiến chị quyết định trở về Việt Nam đầu tư? Helene Văn cho biết, chị sinh ra ở Hà Nội và lớn lên giữa thời buổi bom đạn, phải một mình chăm cô em khi mới 6 tuổi. Ba chị nguyên là Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên. Khi mới 6 tuổi, chị đã cùng cô em nhỏ 4 tuổi đi sơ tán. Mẹ chị ở lại bệnh viện để chăm sóc các thương, bệnh binh. Vì những điều đó, khi thành công ở nước ngoài, chị muốn đầu tư về Việt Nam để giúp đỡ mọi người.

Với mong muốn đóng góp cho quê hương, giúp ngành du lịch tỉnh Phú Yên phát triển, năm 2005, Helene Văn trở về Việt Nam với tư cách một nhà đầu tư Thụy Điển để thành lập Công ty Bắc Âu. Chị bắt đầu khởi động dự án Khu nghỉ dưỡng Scandiavilla & Resort (Làng Quốc tế Bắc Âu) trên diện tích 388.400m2, tổng vốn đầu tư 30 triệu USD. Helene Văn cho biết, khó khăn lớn với các nhà đầu tư Việt kiều khi về Việt Nam đầu tư vẫn là thủ tục hành chính.

Chị chia sẻ: "Tôi đã trải qua gần 8 năm để làm thủ tục hành chính. Nếu quan tâm đến lợi nhuận, có lẽ mọi người đã bỏ từ lâu rồi. Tôi dành toàn bộ mọi tâm huyết, bỏ cả con nhỏ ở Thụy Điển để theo đuổi quyết tâm của mình. Lúc đầu, chồng tôi rất hứng thú với dự án đầu tư tại Phú Yên. Anh ấy thường xuyên về Việt Nam cùng tôi thực hiện dự án. Nhưng đến năm 2007, chồng tôi bắt đầu mệt mỏi và không thể hiểu vì sao dự án cứ tiếp tục bị đình trệ chỉ vì thủ tục hành chính rắc rối. Trong một cuộc gặp với chính quyền tỉnh Phú Yên, anh nói thủ tục hành chính Việt Nam giống như rừng rậm, đầm lầy, càng đi càng lún. Cá nhân tôi cũng thấy như vậy. Thực sự càng lạc…".

Tuy nhiên, vượt lên tất cả chị nhận thấy rằng, Việt Nam có nhiều người giàu, nhưng đa số người dân thường vẫn còn nghèo, trong đó có quê hương Phú Yên. Chị luôn ý thức rằng, dù mình ở đâu mình vẫn là người Việt Nam. Vì vậy, dù đi đâu Việt Nam vẫn là nơi thân thương mà chị muốn trở về.

Đình Hiệp