Cảnh giác cao khi vào mùa hanh khô và lễ hội
Xã hội - Ngày đăng : 06:08, 18/02/2013
Hiện, thời tiết đang chuyển sang mùa khô hanh, thảm thực vật rừng bị khô kiệt nhanh dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao. Đặc biệt, một số địa phương có nhiều di tích lịch sử, đình chùa nằm trong phạm vi rừng lại đang vào mùa lễ hội nên việc bảo vệ và phòng chống cháy rừng rất khó khăn.
Cán bộ Hạt kiểm lâm Sóc Sơn kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng. Ảnh: Bá Hoạt |
Hà Nội hiện có hơn 32.000ha đất rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó riêng diện tích đất rừng là gần 25.000ha. Rừng ở Hà Nội phần lớn là rừng trồng, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Đặc biệt, rừng ở một số huyện như Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức... lại đan xen với các khu dân cư, các công trình văn hóa, du lịch, chùa chiền. Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, năm 2012, Hà Nội xảy ra 37 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 98,97ha (riêng huyện Sóc Sơn xảy ra 35 vụ, diện tích thiệt hại là 87,03ha, Thạch Thất xảy ra 1 vụ, thiệt hại khoảng 2,3ha… Mặc dù diện tích rừng Hà Nội không lớn nhưng đặc biệt quan trọng với Thủ đô, việc để cháy gần 100ha rừng một năm là rất đáng báo động.
Theo dự báo, mùa khô hanh năm 2012-2013, nhiệt độ không khí trung bình cao, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Để chủ động phòng và ngăn chặn có hiệu quả, các địa phương, chủ rừng cần thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, đốt rừng và hủy hoại rừng dưới mọi hình thức. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 16, yêu cầu tăng cường bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, giao trách nhiệm cho các địa phương, các chủ rừng và lực lượng kiểm lâm phối hợp bảo vệ rừng. Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Quang Tiến cho biết, hiện đang là thời điểm "nóng" trong phòng chống cháy rừng. Đáng lưu ý là ở các huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức và Ba Vì, các khu di tích văn hóa, chùa chiền như chùa Hương, đền Sóc, K9 Ba Vì, đều nằm trong phạm vi rừng, đang vào mùa lễ hội, thu hút nhiều du khách nên việc bảo vệ và phòng chống cháy rừng càng khó khăn hơn.
Đẩy mạnh công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng trong mùa hanh khô, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tổ chức người dân các xã có rừng, các chủ rừng ký cam kết về quản lý bảo vệ rừng, không mang những vật gây cháy vào rừng. Các hạt kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương đôn đốc, hướng dẫn chủ rừng thu gom vật liệu dễ cháy, phát quang dây leo, bụi rậm và làm các đường băng trắng và đường băng xanh để ngăn cản chống cháy lan; bao quanh các khu rừng dễ cháy. Tại các xã có rừng, thành lập tổ thường trực bảo vệ rừng tại các thôn bản, các chốt canh giữ tại các cửa rừng, bố trí đủ dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ như máy bơm nước, dao phát... Tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy đều được bố trí các họng nước, các bể chứa sẵn sàng hoạt động khi cần thiết. Riêng huyện Sóc Sơn có gần 4.000ha rừng phòng hộ trải dài ở 11 xã, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền cho học sinh, giáo viên các trường phổ thông về tác dụng của rừng đối với kinh tế và môi trường sống, tác hại của việc đốt rừng và săn bắt, buôn bán động vật hoang dã. Tại khu vực chùa Hương, Giám đốc Rừng đặc dụng Hương Sơn Nguyễn Duy Giáp cho biết, lực lượng kiểm lâm đã sẵn sàng ứng trực 24/24h từ trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ để theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động canh lửa giữ rừng. Lực lượng liên ngành duy trì hoạt động, thường xuyên phối hợp với xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc phá rừng, đốt rừng.
Đặc biệt, để chủ động phòng chống cháy rừng, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch rừng tại 31 xã có rừng và quy định thời gian cao điểm xảy ra cháy rừng trong năm. Theo quy định, cao điểm xảy ra cháy rừng trong năm là các tháng 2, 3, 4 và 10, 11, 12. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ở một số địa phương, chính quyền chưa thật sự quan tâm, thậm chí buông lỏng quản lý rừng; một số chủ rừng xem nhẹ khâu bảo vệ.