Không có chỗ cho doanh nghiệp yếu kém

Kinh tế - Ngày đăng : 05:52, 18/02/2013

(HNM) - Năm 2012, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực thông tin và truyền thông nói chung, viễn thông nói riêng vẫn đạt tăng trưởng cao.

- Năm 2012 đã qua, phát triển KT-XH trong nước gặp nhiều khó khăn, tình hình biên giới biển đảo cũng có diễn biến phức tạp… Đề nghị Bộ trưởng cho biết, ngành TT-TT đã cùng cả nước vượt khó như thế nào và đạt được những thành tựu nổi bật gì?

- Năm 2012, ngành TT-TT đạt nhiều thành tích, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Đội ngũ báo chí, xuất bản cả nước đã đi đầu trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giải pháp của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định an sinh xã hội, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Báo chí là lực lượng chủ lực về xóa nghèo thông tin, đưa thông tin tuyên truyền đến biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại, giành nhiều thành quả trên mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao, tuyên truyền văn hóa ra thế giới để hơn 4 triệu Việt kiều và bạn bè nước ngoài hiểu được thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam... Đó cũng là thành công đầu tiên thuộc về lực lượng TT-TT.

Năm 2012, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực viễn thông vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Ảnh: Thanh Hải


Bên cạnh đó, lĩnh vực viễn thông phát triển rất mạnh, năng động và cũng là lĩnh vực mà các DN liên tục giảm cước. Năm 2012, cả nước có hơn 52.000 DN phá sản nhưng có nhiều DN trong ngành phát triển bền vững, nhất là VNPT, Viettel. Cụ thể, tổng doanh thu của VNPT đạt hơn 130.000 tỷ đồng, lợi nhuận 8.500 tỷ đồng, nộp ngân sách 7.500 tỷ đồng. Viettel đạt doanh thu hơn 141.000 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 27.000 tỷ đồng, đóng góp hơn 11.000 tỷ đồng cho ngân sách. Không chỉ có vậy, Viettel đã phát triển mạng lưới ra 7 nước trên thế giới với doanh thu hơn 600 triệu USD. Trong khi một số tập đoàn kinh tế nhà nước sản xuất, kinh doanh thua lỗ, sự phát triển của VNPT, Viettel làm cho hình ảnh của DN nhà nước có chỗ đứng niềm tin trong lòng người dân Việt Nam.

- Lĩnh vực viễn thông, internet thời gian qua đã phát triển rất nhanh, được xã hội đánh giá cao nhưng xã hội cũng lo ngại về một số hệ lụy như tin nhắn rác, lừa đảo... Vậy Bộ trưởng cho biết nỗ lực cải thiện tình hình này trong thời gian tới?

- Việc ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học - kỹ thuật đem lại nhiều lợi ích về KT-XH... góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin. Nhưng mặt trái của môi trường mạng cũng đem lại nhiều phiền toái cho công dân, DN, đặc biệt là gây ảnh hưởng an ninh quốc gia, vi phạm quyền tự do chính đáng của công dân. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, trong đó Bộ TT-TT là cơ quan tham mưu chủ lực, nhằm ngăn ngừa, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực. Cụ thể, năm 2012, Bộ TT-TT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định (NĐ) 77 thay NĐ 90 về quản lý tin nhắn rác; Bộ ban hành Thông tư 04 về quản lý sim trả trước; thông tư 14 quản lý cước dịch vụ viễn thông mặt đất... Bộ cũng vừa trình Chính phủ dự thảo NĐ sửa đổi về quản lý internet. Năm 2013, Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo Luật An toàn thông tin số và đang khảo sát, học tập kinh nghiệm của các nước. Thông tin bước đầu cho thấy, nhiều quốc gia chưa xây dựng thành luật mà chỉ xây dựng quy định và trên cơ sở thực tiễn Việt Nam cộng với việc tham khảo tại nước ngoài, Bộ sẽ có các quy định về an toàn thông tin số phù hợp. Dự kiến, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành vào năm 2014 để có hành lang pháp lý bảo đảm cho môi trường mạng hoạt động tốt nhất.

- Thị trường viễn thông Việt Nam chứng kiến một số biến động như mua bán, sáp nhập, rút khỏi thị trường. Năm 2013, Bộ TT-TT sẽ triển khai quy hoạch viễn thông quốc gia đến năm 2020 đồng thời với thực hiện đề án tái cơ cấu DNNN trong lĩnh vực TT-TT. Vậy Bộ trưởng cho biết việc này sẽ tác động thế nào đến thị trường viễn thông, công nghệ thông tin trong năm 2013?

- Năm 2012, nhiều DN viễn thông phát triển mạnh nhưng cũng chứng kiến sự phát triển đúng quy luật thị trường. Đầu tiên là sự ra đi của EVN Telecom, do phát triển không lành mạnh, thua lỗ kéo dài nên đã phải sát nhập Viettel; tiếp theo là sự ra đi của VipelCom (Nga) phải rút vốn khỏi Gtel. Bộ cũng đã rút giấy phép một số DN viễn thông vì không hoạt động... Đây là thị trường cạnh tranh bình đẳng lành mạnh, không có chỗ đứng cho DN yếu kém. Thời gian tới, để phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng duyệt, Bộ TT-TT sẽ tái cơ cấu DN để bảo đảm 3-4 DN hoạt động kinh doanh internet, viễn thông băng rộng. Năm 2013, Bộ TT-TT thực hiện vai trò chủ sở hữu nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty (giao các bộ quản lý ngành tiếp nhận một số tập đoàn, tổng công ty), trong đó có việc tái cơ cấu các DN. Bộ thực hiện tái cơ cấu DN viễn thông, công nghệ thông tin để bảo đảm DN hoạt động đúng định hướng, thị trường lành mạnh, bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng, đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Việt Nga