Ngoại giao mở đường tới những thị trường mới

Đối ngoại - Ngày đăng : 21:45, 17/02/2013

Để có thể tận dụng được những cơ hội to lớn đó, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào sự hậu thuẫn vững chắc của các hoạt động ngoại giao kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. - Ảnh: VGP/Thanh Bình


Tháng 12/2010, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Athens, Hy Lạp, ngày 26/3/2012, Việt Nam chính thức khai trương Đại sứ quán. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp đã có những hoạt động hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp trong nước, giới thiệu cho các sản phẩm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Hy Lạp. Năm 2011, xuất khẩu của Việt Nam sang Hy Lạp tăng 40%. Năm 2012, trong tình hình kinh tế khó khăn, kim ngạch thương mại 2 chiều vẫn tăng 10%.

Nhận định còn nhiều thị trường khác có tiềm năng to lớn chưa được các doanh nghiệp Việt Nam khai phá, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết ngành Ngoại giao cần đóng vai trò phát hiện, mở đường tới những thị trường mới.

Trong năm 2012, Bộ Ngoại giao đã tổ chức thành công Diễn đàn Việt Nam - Mỹ Latinh về thương mại và đầu tư. Đây là lần đầu tiên một diễn đàn như vậy được tổ chức và sau sự kiện này, đã có có trên 10 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước Mỹ Latinh tới Việt Nam và qua đó, rất nhiều văn kiện hợp tác, nhiều hợp đồng thương mại đã được ký kết.

Năm 2013, chúng ta sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với các nước Mỹ Latinh, đồng thời mở rộng ra các khu vực khác như Trung Đông, châu Phi.

Đề cập đến một vụ việc đang rất được quan tâm là vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm Việt Nam của một nhóm doanh nghiệp Hoa Kỳ, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ đã sớm phát hiện, cung cấp thông tin cho các bộ ngành, doanh nghiệp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương – cơ quan chủ trì chính – trong quá trình giải quyết vụ việc.

Từ nay đến tháng 7, khi phía Hoa Kỳ sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam triển khai một số biện pháp.

Cụ thể, sẽ hợp tác chặt chẽ với Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, cung cấp đầy đủ thông tin, đánh giá khách quan về tình hình sản xuất tôm Việt Nam. Phía Việt Nam cũng sẽ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp nhập khẩu tôm Hoa Kỳ để họ lên tiếng phản đối vụ kiện bất hợp lý này. Cùng với đó, Việt Nam sẽ chia sẻ thông tin với 6 nước cùng tham gia vụ kiện.

Thời gian qua, cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tổ chức nhiều hội thảo với các đối tác Hoa Kỳ để cung cấp thông tin, khẳng định rõ các chính sách của Chính phủ Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các quy định của tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Theo VGP News