Bóng đen chiến tranh tiền tệ

Thế giới - Ngày đăng : 08:46, 17/02/2013

(HNM) - Hiện tại, nhiều định chế tài chính lớn, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB), đã điều chỉnh giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ mức 3% xuống 2,4%.


Các gói kích thích kinh tế nhằm thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng đang mang đến lo ngại về một cuộc đua tiền tệ toàn cầu.


Theo các nhà phân tích kinh tế, thách thức lớn nhất hiện nay của G-20 là vạch ra các chính sách đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi trì trệ và bất ổn để tiến tới tăng trưởng bền vững. Tại cuộc gặp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G-20 tham dự hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, thách thức lớn nhất với G-20 hiện nay là việc chuyển từ các biện pháp chống khủng hoảng ngắn hạn sang các nhiệm vụ dài hạn; đồng thời nhấn mạnh các biện pháp tài chính được G-20 tung ra đã có tác động tích cực tới tình hình kinh tế thế giới và cho phép thông qua các biện pháp phối hợp như hạn chế bảo hộ mậu dịch, thúc đẩy đàm phán thương mại, các quy tắc điều chỉnh tài chính mới, khởi động cải cách các tổ chức tài chính quốc tế.

Hiện tại, nhiều định chế tài chính lớn, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB), đã điều chỉnh giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ mức 3% xuống 2,4%. Nguyên nhân chính là do các cơ quan này tin rằng, "sức khỏe" nền kinh tế thế giới vẫn còn trong tình trạng mong manh khi vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cùng với hạ triển vọng kinh tế toàn cầu, WB cũng cắt giảm các mức dự báo tăng trưởng với các nước đang phát triển ở mức 5,5%, thấp hơn mức 5,9% được đưa ra hồi tháng 6-2012. Ngoài ra, những yếu kém bất thường trong hoạt động đầu tư và công nghiệp tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới bị ảnh hưởng lớn bởi những tranh cãi về "vách đá tài khóa" và trần nợ công trong những tháng gần đây - cũng là một nguyên nhân khiến các nhà phân tích tài chính tỏ ra ái ngại.

Tuy nhiên, bóng đen bao phủ tại cuộc gặp ở Moscow lại là mầm mống về một cuộc chiến tiền tệ sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định cụ thể hóa chính sách kinh tế của tân Thủ tướng Shinzo Abe, được biết đến với tên gọi Abenomic - hướng đến mục tiêu lạm phát 2% - đồng thời cam kết theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng. Xét từ góc độ toàn cầu, động thái của Tokyo làm giảm giá đồng yen nhằm mang lại lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu của xứ Mặt trời mọc tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Vì cùng với việc Mỹ vừa thông báo Gói nới lỏng định lượng lần 3 hay còn gọi Gói kích thích thứ 3 (QE-3), nhiều khả năng một loạt các ngân hàng trung ương của nhiều nước sẽ buộc phải giảm giá đồng nội tệ để tìm kiếm lợi thế như Nhật Bản. Nếu vậy, đây có thể là ngòi nổ cho một cuộc chiến tiền tệ ở những nước có dòng tiền tệ giao dịch hàng đầu thế giới, dẫn đến tình trạng "thù địch" xuyên biên giới và tác động xấu đến thương mại và hợp tác toàn cầu. Thêm vào đó, khi các liều thuốc thử nghiệm như QE của Mỹ trở nên phổ biến sẽ buộc các nền kinh tế như Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản thậm chí cả Trung Quốc… phải lao vào "cuộc chơi", gây ra tình trạng dư thừa tiền mặt quá mức trên thị trường toàn cầu. Điều này làm dấy lên nguy cơ bong bóng tài sản - một bất ổn mới của nền kinh tế thế giới - trên phạm vi toàn cầu.

Mặc dù, các bộ trưởng tài chính của G-20 đã kết thúc cuộc họp với tuyên bố chung cam kết không thi hành các chính sách tài chính nhằm giảm giá trị đồng tiền để thúc đẩy xuất khẩu, nhưng nếu các đầu tàu kinh tế như Mỹ và Nhật Bản vẫn làm ngược lại thì phần còn lại của thế giới sẽ khó đi tới một giải pháp chung về giá trị tiền tệ. Đây chính là bóng đen của một cuộc chiến tiền tệ không tuyên bố, có thể gây những thiệt hại khôn lường.

Quỳnh Chi