Bản quyền: Không chỉ là tiền!

Văn hóa - Ngày đăng : 06:55, 17/02/2013

(HNM) - 300 triệu đồng tiền bản quyền cho một bài thơ! Đây đáng được xem là thông tin


Phải nói không chỉ Trần Hoài Thu, không phải chỉ "Ở hai đầu nỗi nhớ", mà còn rất nhiều nhà thơ có tác phẩm thơ được âm nhạc chắp cánh, trở thành điểm tựa tinh thần cho nhiều thế hệ. Nhưng trong nhiều trường hợp, tác giả phần cốt - phần lời (thơ) hầu như không được nhớ đến. Họ gần như đã quen với việc không được "tiếng" mà cũng chẳng có "miếng", trong bối cảnh đâu cũng thấy cảnh "xài chùa" tác phẩm văn học nghệ thuật.

Cho đến những năm gần đây, khi đòi hỏi thực hiện bản quyền tăng lên và ý thức tự bảo vệ của văn nghệ sĩ mạnh hơn, tình trạng trên đã được cải thiện. Ngoài những kết quả đạt được của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), năm qua có những động thái khác nhằm bảo đảm quyền lợi cho người sáng tác. Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) đã làm việc với NXB Hà Nội và thực hiện trả tiền bản quyền cho các tác giả trong "Tuyển truyện ngắn và Tuyển tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội", trong đó có nhiều nhà văn quá cố. Mới đây nhất, đầu năm mới 2013, VLCC đã có thư mời các nhà văn, nhà thơ gửi tác phẩm, ủy quyền cho VLCC bảo vệ tác quyền cho người viết.

Có nhà thơ chia sẻ, thi thoảng được các trung tâm quyền tác giả mời tới nhận tiền bản quyền, cũng cảm thấy có thêm nguồn động viên khích lệ. Đối với nhà thơ Trần Hoài Thu, không kể các cá nhân và tổ chức, riêng VCPMC đã chuyển cho tác giả số tiền bản quyền sử dụng bài thơ này trong suốt 10 năm qua, theo tỷ lệ đã được ấn định. Tuy nhiên, giá trị việc chuyển nhượng bản quyền trên không chỉ gói gọn ở số tiền (cho dù nó góp phần giúp nhà thơ vượt qua bạo bệnh) mà lớn hơn, nó quy tụ được bao tấm lòng yêu mến văn học cùng chung sức giúp đỡ tác giả.

Có thể nói, thực hiện bản quyền đối với tác phẩm văn học nghệ thuật không chỉ có việc trả tiền. Đó phải được xem như một cách ứng xử văn hóa.

Người lái đò