Nghệ thuật đường phố: Chuyện của mai này
Văn hóa - Ngày đăng : 08:32, 16/02/2013
Ca sĩ Mỹ Linh biểu diễn tại chương trình Luala Concert thu đông 2012. Ảnh: Nguyễn Khánh |
Bước đột phá ban đầu
Nghệ thuật đường phố (NTĐP), hiểu một cách đơn giản là những loại hình nghệ thuật diễn ra ở nơi công cộng, rộng mở cho mọi người. Các loại hình NTĐP ở ta gồm âm nhạc, điêu khắc, lễ hội carnaval... NTĐP hấp dẫn bởi tính cộng đồng, sự ngẫu hứng, không cần kiểu cách, ngày càng xuất hiện nhiều ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long… Một số đã trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch, như Carnaval Hạ Long, lễ hội phố hoa Hà Nội, Festival hoa Đà Lạt…
Tại Hà Nội, NTĐP sơ khai thường thấy đã nhiều năm nay. Vào dịp lễ, tết, sân khấu ngoài trời được dựng quanh hồ Gươm và nhiều điểm khác quanh thành phố. Người ta chọn diễn âm nhạc, xiếc, tạp kỹ… Những hoạt động nghệ thuật ngoài trời góp phần tạo nên không khí rộn ràng, tươi vui dù phần lớn chưa phải là chương trình quy mô lớn, tính quần chúng rõ hơn chuyên nghiệp.
Chỉ từ năm 2006, khi sân khấu xẩm được hình thành tại khu chợ Đồng Xuân, nơi duy trì phố đi bộ vào những ngày cuối tuần thì dáng dấp NTĐP mới bắt đầu rõ. Sân khấu xẩm do NSƯT Thanh Ngoan cầm trịch tồn tại được 6 năm, phần nào thực hiện sứ mệnh giới thiệu rộng rãi âm nhạc truyền thống với người dân và thu hút khách du lịch. Rồi âm nhạc bác học cũng chen chân ra đường phố thay vì "giữ mình" trong không gian sang trọng của Nhà hát Lớn - Hà Nội. Đầu năm 2012, Hà Nội khôi phục sân khấu âm nhạc tại nhà Kèn, ưu tiên dòng nhạc "kén người nghe". Tại đây, vào chủ nhật hằng tuần, các nghệ sĩ trẻ của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam trình tấu những bản nhạc trong nước và quốc tế, có cả dàn kèn, trống, đàn dây, nhạc jazz... Ban đầu là nhằm mục đích ươm mầm tài năng, cho nghệ sĩ trẻ có cơ hội đến gần công chúng, không lâu sau nơi này đã trở thành địa chỉ văn hóa.
Nhưng âm nhạc đường phố "đỉnh cao" chỉ xuất hiện từ hai năm nay, với chương trình hòa nhạc "Luala Concert" của Tập đoàn DX Group - diễn ra ngay tại hè phố Lý Thái Tổ. Điểm diễn này hợp với nhà Kèn gần đó, tạo tiếng vang về chùm hoạt động âm nhạc đủ sức thuyết phục du khách tìm đến. Điểm mạnh của "Luala Concert" là có được sự tham gia của những nghệ sĩ tên tuổi, từ nghệ sĩ violon Xuân Huy, NSND Bùi Gia Tường, NSƯT Châu Sơn đến NSND Quang Thọ, ca sĩ Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung… Mùa tổ chức thu đông năm 2012, "Luala Concert" thu hút gần 700 lượt khách đến thưởng thức, một con số được cho là gây bất ngờ.
NTĐP tạo nên một diện mạo văn hóa sinh động cho các đô thị phát triển. Tiềm năng thu hút du lịch từ loại hình nghệ thuật mang tính cộng đồng này khá cao, bởi nó không chỉ hấp dẫn nhờ có sự gần gũi công chúng, mà còn phần nào thể hiện tính cách con người, nét văn hóa địa phương. Hãy thử tưởng tượng một chiều nào đó, khi lễ hội hoa Hà Nội diễn ra, từ Lý Thái Tổ và khu nhà Kèn vẳng lại tiếng nhạc du dương, những nhạc công tự do chơi đàn bên hồ Hoàn Kiếm hay giữa vườn tượng gần đó…
Cần có sự cộng hưởng
Đưa nghệ thuật ra đường phố không phải là việc khó, làm thế nào để tạo sức sống lâu bền, phát triển thành "điểm hẹn văn hóa" mới là điều đáng quan tâm. Hiện nay, đa số chương trình nghệ thuật công cộng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều chưa rõ tính cộng đồng, chủ yếu tổ chức tại sảnh nhà văn hóa, khuôn viên hội chợ hay trên sân khấu được sắp đặt, bởi thế tính ngẫu hứng, du ca chưa đầy đủ.
Sức hấp dẫn và khả năng truyền cảm hứng của NTĐP khiến nhiều người muốn nhân rộng mô hình này dù biết có thể gặp khó khăn. Như Hà Nội, sự khó nằm ở mật độ dân cư quá dày, thiếu không gian đủ rộng để biểu diễn, trưng bày, chưa kể đặc thù giao thông và hệ lụy từ nó. Thời tiết hanh khô, lạnh giá về mùa đông, oi nóng về mùa hè cũng khiến cho NTĐP bị ảnh hưởng. Tranh tường "xuống sắc" nhanh so với buổi ban đầu. "Luala Concert" gây chú ý là thế mà không thể tổ chức quanh năm, phải tính toán ra mắt vào dịp tháng 4, 5 và tháng 11, 12.
Tuy thế, điều quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của nghệ thuật đường phố là sự tương tác của công chúng. Nếu như ở các lễ hội văn hóa lớn tại nước ngoài, như Carnaval ở Brazil, người dân hòa mình trong các điệu nhảy, cuồng nhiệt hưởng ứng vũ công, tạo nên không khí lễ hội cuốn hút thì ở Việt Nam, sự tương tác giữa công chúng và nghệ sĩ khá nhạt. Ý thức của người tham gia sự kiện văn hóa, nghệ thuật cộng đồng đang là một dấu hỏi lớn đối với các đơn vị có ý định tổ chức NTĐP bởi đã có không ít lễ hội, chương trình bị làm hỏng bởi ý thức kém của người tham gia. Như lễ hội hoa Hà Nội, ở lần tổ chức đầu tiên là kỷ niệm buồn khi các tiểu cảnh bị phá nát.
So với nhiều nước khác, nghệ thuật Việt Nam đang "rụt rè ra phố" và dường như NTĐP vẫn là chuyện của tương lai. Với một nước có thế mạnh du lịch, một nền nghệ thuật phong phú, giàu bản sắc, có lẽ các dạng thức NTĐP cần phải được quan tâm nhiều hơn.