Nỗ lực đưa hàng bình ổn ra ngoại thành, vùng ven
Xã hội - Ngày đăng : 08:24, 16/02/2013
Con số các điểm bán hàng bình ổn ở ngoại thành, vùng ven đã tăng rất nhiều so với năm trước, phản ánh sự nỗ lực của các doanh nghiệp vì người nghèo. Nhưng vẫn cần nhiều hơn nữa những cửa hàng như vậy mới xóa được khoảng cách giữa người có thu nhập cao ở TP được mua hàng bình ổn giá nhiều hơn người thu nhập thấp ở nông thôn.
Người giàu mua rẻ, người nghèo mua đắt...
Mỗi buổi chiều sau giờ làm việc, chị Ngọc Xuân (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) vẫn ghé qua siêu thị Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), hoặc cửa hàng bình ổn giá của Vissan ở khu vực Cầu Ông Lãnh (quận 1) để mua thực phẩm tươi sống cho gia đình. Sở dĩ phải "đi chợ" xa như thế không chỉ vì thuận đường từ công ty về nhà, mà còn vì khu vực chị ở không có cửa hàng bình ổn giá. Dịp Tết năm nay, chợ nhỏ nơi chị ở bán trứng vịt đến 4.000 đồng/quả, trong khi ở khu vực trung tâm giá mỗi quả trứng chỉ 3.150 đồng. Tương tự, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thịt lợn, gà, trái cây... ở cái "chợ quê" nhiều người nghèo này đều đắt hơn khu vực trung tâm vốn có nhiều cửa hàng bình ổn giá.
Việc xây dựng các cửa hàng bình ổn không đồng đều, tập trung nhiều ở khu trung tâm đã gây thiệt thòi cho nhiều người nghèo. Trên thực tế, trong khi chưa xây dựng được cửa hàng bình ổn, các doanh nghiệp đã nỗ lực mang hàng hóa đến cho người nghèo bằng các chuyến hàng lưu động. Tuy nhiên, các chuyến hàng đến rồi đi, người dân vùng ven chỉ mua được các mặt hàng sử dụng trong gia đình hoặc có thể dự trữ lâu như bột giặt, nước mắm, bột nêm... còn những mặt hàng thực phẩm tươi sống vốn giá cả hay bấp bênh thì chưa thể.
Theo các doanh nghiệp, mở cửa hàng bình ổn ở vùng ven luôn là mong muốn của họ, nhưng thực hiện không đơn giản, do phải "chạm trán" với rất nhiều vấn đề, như các điểm bán hàng tự phát, giá thuê mặt bằng cao... trong khi lợi nhuận thì thấp, thậm chí không có. Đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), đơn vị đi đầu trong bán hàng bình ổn giá và hiện có đến hàng trăm cửa hàng bình ổn giá ở vùng ven, KCN - KCX cho biết, vốn đầu tư một điểm bán hàng cố định như Co.opMart có khi lên đến hàng trăm tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí vận hành nên khi thiết lập một điểm bán mới thì vấn đề huy động vốn và chuẩn bị nguồn lực không đơn giản, trong khi lợi nhuận không đáng kể, thậm chí hòa vốn hoặc lỗ.
Bên cạnh đó, theo Saigon Co.op, một điểm bán mới khi được thành lập phải dựa trên đánh giá về sức mua, nhu cầu của khu vực, căn cứ theo mật độ dân cư, thu nhập trung bình của người dân trong khu vực và các chỉ số khác. Điều này không chỉ giúp điểm bán sử dụng hiệu quả nguồn lực đã đầu tư mà còn giúp điểm bán phục vụ được đại đa số nhu cầu mua hàng bình ổn của một khu vực tập trung.
Sẽ nỗ lực hơn
Trong những năm gần đây, Sở Công thương TP và các doanh nghiệp đã tích cực tìm kiếm các mô hình để đưa hàng bình ổn đến với người nghèo, nên các điểm bán hàng bình ổn ở vùng ven, ngoại thành, KCN - KCX tăng rõ rệt so với trước. Một trong những hình thức đưa hàng về vùng ven hiệu quả là chương trình hợp tác phát triển cửa hàng bình ổn giữa Thành đoàn TNCS TP Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ và Saigon Co.op, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). Theo đó, các nhà cung cấp và các hội viên Hội phụ nữ, đoàn viên cùng hỗ trợ phát triển các cửa hàng điểm bán lẻ hàng bình ổn ở vùng ven, ngoại thành, KCN - KCX.
Bà Lê Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Công thương TP cho biết, qua một năm triển khai thực hiện, đến nay các đơn vị ký hợp tác đã phối hợp đầu tư được 53 cửa hàng bình ổn giá, gồm 45 cửa hàng Co.op liên kết Hội phụ nữ, 6 cửa hàng Co.op liên kết Đoàn thanh niên, 2 cửa hàng Satra liên kết Đoàn thanh niên. Không chỉ người nghèo được lợi từ các cửa hàng bán hàng bình ổn, mà các chủ cửa hàng cũng được lợi nhờ doanh thu tăng, do từ khi hợp tác thì cửa hàng có nhiều hàng hơn, được hỗ trợ bày biện khoa học, đẹp mắt thu hút người mua...
Theo bà Lê Ngọc Đào, trong năm 2013 TP sẽ nỗ lực hơn nữa để phát triển nhiều hơn các cửa hàng bình ổn ở khu vực nhiều người nghèo. Theo đó, sẽ kết hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ 24 quận, huyện rà soát mặt bằng kinh doanh tại các chợ truyền thống để giới thiệu với các doanh nghiệp liên kết triển khai mở điểm bán hàng bình ổn; hỗ trợ trong khả năng tốt nhất để giúp doanh nghiệp tạo điểm bán, đưa được hàng bình ổn đến người tiêu dùng nghèo ở vùng ven, ngoại thành.