Quan hệ Ấn Độ - Pháp: Hợp tác trong một thế giới đổi thay
Thế giới - Ngày đăng : 07:37, 16/02/2013
Cái bắt tay của Tổng thống Pháp Francois Hollande với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã mở trang mới cho quan hệ hợp tác giữa hai bên. |
Không phải ngẫu nhiên, kết thúc cuộc hội đàm với Tổng thống F.Hollande (ngày 14-2), Thủ tướng nước chủ nhà đã vui mừng thông báo với giới truyền thông rằng, chuyến thăm đã giúp đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược song phương Ấn - Pháp đã có từ cách đây 15 năm.
Thực tế, nhìn từ cách chuẩn bị của Paris cho chuyến công du đầu tiên tới Châu Á của ông F.Hollande trên cương vị ông chủ điện Élysée với chặng dừng chân đầu tiên là New Delhi, kể từ khi chính thức nhậm chức hồi tháng 5-2012, mới thấy kết quả đạt được không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát. Bởi, tháp tùng Tổng thống F.Hollande là phái đoàn cấp cao gồm 5 bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Laurent Fabius và Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian cùng các nhà lãnh đạo hơn 60 công ty hàng đầu của Pháp. Kỳ vọng của Paris trong chuyến thăm là rất rõ ràng: thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, năng lượng hạt nhân với cường quốc mới nổi của Châu Á.
Tại cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, hai bên đã trao đổi quan điểm về một loạt vấn đề song phương, khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm; đánh giá lại những tiến bộ đạt được trong dự án nhà máy điện hạt nhân tại Jaitapur (Ấn Độ). Hai bên bày tỏ hài lòng về những tiến bộ trong hợp tác quốc phòng; tiến trình thương thảo về hợp đồng trị giá 12 tỷ USD mà theo đó Ấn Độ sẽ mua 126 máy bay Rafale của Pháp - một "thương vụ" mà Paris xem như một tâm điểm của chuyến công du. Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố và tình báo; tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục; thảo luận về kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân 9.900MW và các tuyến tàu điện ngầm mới ở Ấn Độ… mà Pháp là nước có kinh nghiện trong lĩnh vực này. Hai nước cũng đã hoàn tất tiến trình thương lượng về tên lửa tầm ngắn đất đối không và một khi được Chính phủ Ấn Độ thông qua, hai bên sẽ hợp tác để cùng phát triển và sản xuất tại quốc gia Nam Á này.
Thành công của chuyến thăm 48 giờ tới Ấn Độ đã mang lại cho Tổng thống F.Hollande một nhành nguyệt quế mang tên Châu Á, khẳng định rằng chọn chặng dừng chân đầu tiên là Ấn Độ, nền kinh tế phát triển nhanh thứ 2 tại Châu Á, là một lựa chọn thông minh trong bối cảnh Cựu lục địa đang ngập chìm trong khó khăn về nợ công và tỷ lệ thất nghiệp chưa được cải thiện. Nếu nhìn lại, trong năm 2012, nhiều công ty của Pháp, trong đó có các hãng chế tạo ô tô, liên tục làm ăn thua lỗ, mất hàng chục nghìn việc làm và xu hướng này đang được dự báo là vẫn tiếp diễn trong năm 2013. Do vậy, việc Tổng thống F.Hollande tới Ấn Ðộ - một quốc gia đông dân thứ 2 thế giới - được cho là không chỉ giúp thắt chặt thêm quan hệ đối tác chiến lược mà qua những dự án, hiệp định hợp tác về kinh tế được ký giữa hai bên, Paris cũng sẽ giảm tải được gánh nặng về kinh tế trong năm 2013 này.
Trong khi đó, với New Delhi, thúc đẩy quan hệ với Paris cũng mang lại cho quốc gia Nam Á nhiều cơ hội mới. Trước hết là về kinh tế. Từ chuyến thăm, một hiệp định thương mại và đầu tư giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Ấn Độ đang được thương lượng và hẳn sẽ có thêm lợi thế khi có được sự ủng hộ của Paris. Thêm vào đó, doanh nghiệp của Ấn Độ cũng sẽ vươn rộng thị trường tới khu vực EU với bàn đạp là thị trường Pháp. Ký kết nhiều hợp đồng về quốc phòng với Pháp, Ấn Độ cũng khẳng định thêm vai trò, vị trí trong khu vực. Mặt khác, thắt chặt quan hệ hợp tác Pháp-Ấn cũng giúp Ấn Độ có thêm sự ủng hộ của Paris khi mong muốn trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và được quyền phát triển năng lượng hạt nhân dân sự, cho dù đến nay, New Delhi là một cường quốc hạt nhân quân sự.
Chuyến thăm của người đứng đầu nước Pháp được xem là bước tiến mới cho quan hệ Pháp - Ấn trong năm 2013. Cả Paris lẫn New Delhi đều không do dự khi "nổ" champague trước hứa hẹn của một chặng hợp tác mới trong một thế giới đang đổi thay. Điều đó sẽ là nhân tố tích cực giúp cải thiện cuộc sống của người dân hai nước; là xu thế tất yếu của thời đại: Hợp tác vì sự phát triển thịnh vượng.