Viễn thông di động năm 2013: 3G tiếp tục chiếm ưu thế

Xe++ - Ngày đăng : 08:53, 15/02/2013

(HNM) - Có thể nói, thị trường viễn thông đã vào thời kỳ bão hòa, cộng với việc cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ với thuê bao trả trước khiến lượng thuê bao mới mà chủ yếu là trả trước tăng trưởng chậm.

Thuê bao 3G đang trong thời kỳ hưng thịnh. Ảnh: Trần Hải


Do vậy, năm 2012 một số nhà mạng lớn cũng không đạt được chỉ tiêu đề ra về phát triển thuê bao mới. Song, đại diện các nhà mạng này đều thừa nhận là con số thuê bao mới thực chất hơn và hầu hết đều duy trì phát sinh cước.

Trở lại câu chuyện thuê bao 3G, khái niệm liên quan đến cách tính thuê bao 3G đã được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại một số hội nghị chuyên ngành. Đại diện Viettel cho rằng, thuê bao thông thường chỉ sử dụng thoại, nhắn tin (100.000 - 150.000 đồng/tháng), còn thuê bao 3G là sử dụng thêm các giải pháp, dịch vụ mới đem lại doanh thu thêm khoảng 50.000 đồng/thuê bao/tháng cho nhà mạng; thuê bao 3G còn được tính là những thuê bao dùng làm phương tiện để kết nối liên lạc (chẳng hạn, dùng sim để kết nối liên lạc giao thông… mà không phát sinh cước thoại, nhắn tin). Theo "Sách trắng" công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phát hành, thì thuê bao 3G là thuê bao có kết nối internet qua mạng di động 3G.

Theo số liệu của Bộ TT-TT, tính đến tháng 6-2012, cả nước có 16 triệu thuê bao 3G, đến hết năm 2012, lượng thuê bao này đạt xấp xỉ 20 triệu. Cũng theo công bố của Bộ TT-TT thì lượng thuê bao chủ chốt là của Viettel, Mobifone và Vinaphone, còn Vietnamobile chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Ngoài Vinaphone công bố đạt 6 triệu thuê bao 3G, mặc dù chưa thấy Mobifone và Viettel công bố con số cụ thể, nhưng có thể ước tính gần 14 triệu thuê bao còn lại là của hai nhà mạng này.

Như vậy, đối lập với những khó khăn do suy thoái kinh tế, thuê bao 3G vẫn tăng trưởng. Sở dĩ có chuyện dịch vụ 3G đang ngày càng phát triển là do trong thời gian qua các nhà mạng liên tục đưa ra các dịch vụ giá trị gia tăng. Vinaphone được coi là nhà mạng đưa ra nhiều dịch vụ tiện ích nhất trên nền 3G với hơn 80 dịch vụ giá trị gia tăng hiện có. Được biết, doanh thu từ dịch vụ phi thoại của nhà mạng này chiếm 52% tổng doanh thu và từ dịch vụ 3G chiếm hơn 60% tổng doanh thu (năm 2012, tổng doanh thu của Vinaphone là 25.000 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng không ngừng đầu tư phát triển hạ tầng mạng lưới bằng việc xây dựng trạm thu phát sóng (BTS) 3G trong cả nước với tổng đầu tư trong 3 năm đạt gần 28.000 tỷ đồng, phủ sóng 3G theo dân số và diện tích lãnh thổ đạt hơn 90%. Việc đầu tư lớn cho mạng 3G không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà còn giúp các nhà mạng thực hiện chống nghẽn mạng cùng với hạ tầng mạng 2G khi nhu cầu sử dụng tăng đột biến vào dịp tết, lễ hội. Một vấn đề quan trọng khác là đầu tư lớn cho 3G, nhưng giá cước dịch vụ lại ngày càng rẻ. Đầu tiên là việc các nhà mạng cùng đột phá áp dụng gói cước 40.000 đồng/tháng; gần đây cả Mobifone và Vinaphone đưa ra gói cước thấp chỉ 15.000 đồng/tháng - mức cước được coi là rẻ nhất thế giới...

Cuối cùng không thể không nhắc đến vai trò của các hãng sản xuất điện thoại khi liên tục đưa ra thị trường dòng điện thoại smartphone giá rẻ chỉ 1,5 triệu đồng để nhiều đối tượng khách hàng đều có thể mua và sử dụng  truy cập internet. Theo dự báo, năm 2013, các thiết bị smartphone (điện thoại, máy tính bảng) với giá hợp lý tiếp tục ra đời, theo đó tỷ lệ người sử dụng dòng sản phẩm này để truy cập 3G tiếp tục tăng mạnh. Đó là những thuận lợi căn bản để phát triển dịch vụ 3G.

Việt Nga