Bảo đảm quyền lợi tối đa cho người lao động
Đời sống - Ngày đăng : 07:48, 14/02/2013
Doanh nghiệp vi phạm khó "né"
Hàng loạt "tội" của DN được dự thảo liệt kê ra trong 7 chương, 187 điều. Cụ thể, hành vi không lập sổ quản lý lao động, sổ lương hoặc không xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng; không khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động và định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương bị phạt tiền từ 5 đến 6 triệu đồng.
Đặc biệt, dự thảo cũng đề xuất xử phạt hành vi không lập sổ theo dõi; kiểm tra sức khỏe định kỳ; lạm dụng sức lao động của NLĐ chưa thành niên; không xuất trình sổ theo dõi NLĐ chưa thành niên khi thanh tra viên lao động yêu cầu với mức phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng. Mức phạt 20 đến 60 triệu đồng được đề xuất áp dụng cho các hành vi sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi (trong trường hợp doanh nghiệp vẫn hoạt động).
Cũng theo đề xuất của dự thảo, hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của NLĐ sẽ bị phạt từ 20 đến 40 triệu đồng. DN sẽ bị phạt từ 10 đến 30 triệu đồng nếu yêu cầu NLĐ phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động; phạt tiền từ 2 đến 10 triệu đồng nếu yêu cầu NLĐ thử việc quá thời gian quy định tại điều 27 của Bộ luật Lao động. Nếu trả lương cho NLĐ trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng. Và sẽ bị phạt 10 đến 15 triệu đồng nếu không nhận NLĐ trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Mức phạt cho hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật của người sử dụng lao động theo quy định tại điều 42 của Bộ luật Lao động được dự thảo đề xuất áp dụng mức phạt tiền từ 20 đến 25 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động. Một số hành vi vi phạm phổ biến khác cũng được dự thảo quy định như: Trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho NLĐ thấp hơn mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động bị phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng; trả không đủ tiền lương ngừng việc cho NLĐ theo quy định tại điều 98 của Bộ luật Lao động bị cảnh cáo và phạt tiền từ 15 đến 30 triệu đồng; phạt 30-35 triệu đồng nếu huy động NLĐ làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của họ; phạt 20-30 triệu đồng đối với hành vi không cho NLĐ nghỉ trong giờ làm việc; nghỉ hằng tuần; nghỉ chuyển ca; nghỉ hằng năm; nghỉ lễ, Tết; nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo đúng quy định. Các mức phạt này được cho là sẽ giúp NLĐ, vốn bị xem là yếu thế, có thể được bảo vệ trước chủ sử dụng lao động lạm dụng NLĐ.
"Công cụ" pháp lý bảo vệ quyền lợi cho NLĐ
Ngay sau khi dự thảo được đưa ra lấy ý kiến nhân dân đã có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa ra chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực là rất cần thiết nhưng trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực phá sản thì chưa hẳn đã là giải pháp tốt nhất.
Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, việc đưa ra chế tài nghiêm khắc với DN là rất cần thiết. Chị Nguyễn Hồng Hoa, công nhân may Khu công nghiệp Bắc Thăng Long Hà Nội chia sẻ: cho nghỉ không lương không có lý do, đơn phương chấm dứt hợp đồng đã trở thành "thói quen" của DN mỗi khi không có đơn hàng. Hệ quả là NLĐ phải gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất, do đó việc đưa ra những mức phạt nghiêm khắc là rất cần thiết. Còn anh Nguyễn Đức Nam, công nhân cơ khí Hà Nội phản ánh: "Mặc dù có ký kết hợp đồng lao động dài hạn nhưng lúc không có việc doanh nghiệp vẫn thản nhiên cho nghỉ việc không lương và cắt luôn cả chế độ bảo hiểm. Viết đơn gửi cấp trên thì họ nói "thông cảm" vì doanh nghiệp khó khăn. Doanh nghiệp lúc nào cũng hàng trăm lý do để biện minh cho vi phạm của mình, chính vì vậy cần có những chế tài thật mạnh tay đối với họ".
Thực tế cho thấy, việc vi phạm làm ảnh hưởng tới quyền lợi của NLĐ diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên để những quy định này đi vào đời sống xã hội và trở thành một hành lang pháp lý vững chắc còn rất nhiều điều phải làm. Trong đó trách nhiệm của các cơ quan quản lý, giám sát là rất quan trọng nếu không những quy định chỉ được ghi nhận trên những trang giấy.