Niềm vui đầu xuân
Đời sống - Ngày đăng : 07:26, 14/02/2013
Không nghỉ vẫn vui
Tết là dịp đoàn viên của mỗi gia đình, nhưng với gia đình chị Lê Thị Thanh Hà, công nhân Công ty cổ phần Trúc Bạch (chuyên kinh doanh dịch vụ xe đạp nước ở hồ Trúc Bạch và Hồ Tây) luôn thiếu vắng "người giữ lửa". Vì công việc đặc thù của ngành kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, chị Hà không có một ngày nghỉ trọn vẹn cùng gia đình trong suốt kỳ nghỉ Tết. Tuy không được thảnh thơi vui xuân, đón Tết, nhưng chị Hà và gia đình vẫn thấy đầm ấm, an vui, bởi mùa xuân này, gia đình chị "thoát" cảnh khó khăn nhờ nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ Quỹ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình do tổ chức CĐ thành phố quản lý. Chị Hà phấn khởi cho biết, trước khi được vay vốn, thu nhập của chị và chồng (cũng là công nhân) chỉ khoảng 5 triệu đồng, không đủ chi dùng và trang trải cho hai con ăn học. Được CĐ giúp vay vốn, chị mạnh dạn góp vốn với công ty, may mắn, do kinh doanh tốt, nên mỗi tháng thu nhập tăng thêm hơn 1 triệu đồng, cuộc sống gia đình bớt eo hẹp. Những ngày Tết, tuy không được nghỉ, nhưng có tiền làm thêm cao gấp nhiều lần ngày thường, nên chị vui lắm.
Đại diện LĐLĐ thành phố thăm hỏi, tặng quà động viên công nhân có hoàn cảnh khó khăn. |
Chị Trần Thị Mai Huê, cán bộ chính sách xã Chương Dương (huyện Thường Tín), tuy không thuộc diện hộ nghèo, nhưng do kinh tế suy thoái, đã có lúc trang trại VAC hơn 7 nghìn mét vuông của gia đình chị tưởng phải dừng hoạt động. Nhưng, từ nguồn vốn 20 triệu đồng vay từ Quỹ trợ vốn của CĐ thành phố, gia đình chị đã quyết định đầu tư nuôi vịt giống siêu nạc. Không chỉ tăng thu nhập, còn tạo việc làm cho 3 lao động địa phương với mức hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Chị Huê chia sẻ, số vốn được vay tuy không nhiều, nhưng "một miếng khi đói, bằng gói khi no", là động lực để gia đình vượt qua lúc khó khăn nhất và dần mở rộng quy mô làm ăn.
Chủ tịch CĐ xã Chương Dương Huỳnh Ngọc Huệ cho biết, toàn xã có 5 trường hợp được vay vốn từ Quỹ trợ vốn của CĐ và đều đầu tư hiệu quả, phát triển kinh tế gia đình tốt như gia đình chị Huê. Cũng theo ông Huỳnh Ngọc Huệ, hiện nay còn rất nhiều NLĐ khó khăn, mong được vay vốn...
Năm qua toàn thành phố có 2.485 CNLĐ ở 116 CĐ cơ sở được vay vốn từ Quỹ trợ vốn, với tổng số tiền trên 24 tỷ đồng. Ông Kiều Doãn Truật, Phó Giám đốc Quỹ trợ vốn cho biết, qua kiểm tra cho thấy, hầu hết người được vay vốn sử dụng đúng mục đích phát triển kinh tế gia đình, thiết thực, có hiệu quả, qua đó tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn CNLĐ.
Bất cập cung - cầu
Tuy nhiên, theo ông Kiều Doãn Truật, nguồn vốn của Quỹ trợ vốn hiện còn quá eo hẹp so với nhu cầu vay rất lớn của CNLĐ. Tính trung bình, trong năm qua, mỗi tháng, LĐLĐ quận, huyện toàn thành phố mới chỉ giải quyết được cho hơn 200 người vay.
Ông Nguyễn Văn Thảo, Chủ tịch CĐ ngành NN&PTNT cho biết, CĐ ngành quản lý 13 dự án với số tiền 2 tỷ đồng, giải quyết cho 145 hộ CNLĐ vay, chủ yếu các hộ đầu tư chăn nuôi lợn, bò sinh sản, kết hợp trồng cây cảnh. Từ nguồn vốn này, trung bình thu nhập của các hộ tăng thêm khoảng 900 nghìn đồng/tháng, đạt mức thu nhập bình quân từ 15 đến 20 triệu đồng/năm. Từ đó, nhiều hộ thoát nghèo, có điều kiện sửa sang nhà cửa, mua sắm tiện nghi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Tuy nhiên, ông Thảo băn khoăn, số vốn được vay và số người được vay quá giới hạn so với nhu cầu thực tế và thời hạn phải hoàn vốn chỉ trong hai năm, chưa thực sự giúp gia đình được vay ổn định thu nhập lâu dài.
Nói về tính thiết thực của nguồn vốn cũng như nhu cầu vay vốn của NLĐ, Chủ tịch LĐLĐ huyện Sóc Sơn Ngô Văn Minh dẫn chứng, năm qua huyện có hơn 200 DN phải đóng cửa, nợ đọng BHXH hơn 10 tỷ đồng, "kéo" theo đời sống hàng ngàn CNLĐ khó khăn. Trong bối cảnh đó, huyện giải ngân được 720 triệu đồng, thực hiện 5 dự án, giúp hàng trăm NLĐ có thêm việc làm, tăng thu nhập. Vì vậy, đề nghị thành phố tăng nguồn vốn khoảng 1 tỷ đồng và tăng mức vay để đáp ứng nhu cầu vay của nhiều CNLĐ khó khăn. Đồng thời, có biện pháp phân cấp, quản lý chặt nguồn vốn vay, đặc biệt rà soát, giám sát, bảo đảm vốn cho vay đúng đối tượng và hiệu quả.
Ông Lê Trí Thành, Chủ tịch LĐLĐ huyện Thường Tín chia sẻ, LĐLĐ huyện quản lý trên 8 nghìn CNLĐ, chủ yếu sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh tế khó khăn khiến sản xuất đình trệ, đời sống CNLĐ lao đao, nên rất "khát" vốn để phát triển kinh tế gia đình. Tuy vậy, theo yêu cầu, CNLĐ phải có xác nhận bảo lãnh của đơn vị, DN nơi làm việc mới được vay vốn, nhưng hiện nay, nhiều DN chưa mạnh dạn bảo lãnh, do đó, CNLĐ không thể tiếp cận nguồn vốn.
Trước nhu cầu vay lớn, trong khi chờ cơ chế tăng vốn vay, tăng đối tượng được vay, LĐLĐ TP Hà Nội đang đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng, thu hồi vốn đúng hạn và luân chuyển vốn vay, giúp ngày càng có nhiều người tiếp cận được nguồn vốn này.