Doanh nghiệp xây dựng yếu, đầu tư giảm
Bất động sản - Ngày đăng : 07:20, 14/02/2013
Tỷ lệ doanh nghiệp ngành xây dựng thua lỗ gia tăng mạnh trong các năm 2011 và 2012. Ảnh: Gia Hiếu |
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2012, giá trị SXKD toàn ngành đạt hơn 720.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm trước. Tuy nhiên, đây cũng là năm chứng kiến số lượng DN thua lỗ nhiều nhất. Ông Đỗ Đức Duy, Chánh văn phòng Bộ Xây dựng cho biết, trong tổng số 55.870 DN ngành xây dựng đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề như xây dựng dân dụng - công nghiệp, giao thông, thủy lợi, thủy điện, hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản… thì có tới 17.000 DN thua lỗ, tăng hơn 2.000 DN so với năm 2011. Đặc biệt, tỷ lệ DN thua lỗ ngành xây dựng gia tăng mạnh trong các năm 2011 và 2012. Nếu như năm 2010 có 9.451/48.753 DN thua lỗ (chiếm 19,4%) thì đến năm 2011 có 14.998/48.733 DN thua lỗ (30,8%) và năm 2012 có 17.000/55.870 DN thua lỗ (30,4%). Đây là số liệu do các DN báo cáo, chưa qua kiểm toán nên chưa thể phản ánh hết thực trạng thua lỗ thực tế. Đó là chưa kể đến 2.637 DN dừng hoạt động hoặc giải thể trong năm 2012. Điều đó cho thấy khó khăn chồng chất của các DN ngành xây dựng, nhất là các DN BĐS do chịu tác động của tình trạng đóng băng thị trường BĐS đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến các DN trong và ngoài ngành - ông Duy nói.
Dễ thấy nhất là trong bối cảnh lạm phát, lãi suất cho vay tăng cao, thị trường BĐS - thị trường có sức lan tỏa, tác động mạnh đến tình hình hoạt động của các DN (xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng, tư vấn xây dựng...) trầm lắng kéo dài, các DN ngành xây dựng đã rơi vào tình cảnh thiếu vốn nghiêm trọng cho sản xuất và đầu tư phát triển. Nhất là các DN vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế, phải vay vốn từ ngân hàng hoặc dựa vào nguồn vốn huy động để triển khai dự án. Thị trường BĐS đóng băng không chỉ gây khó khăn cho các DN kinh doanh BĐS mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, gây đình trệ sản xuất cho các DN vật liệu xây dựng, DN xây lắp, DN SXKD hàng trang trí nội thất... Nhiều DN sản xuất vật liệu xây dựng hoạt động cầm chừng, không phát huy hết công suất của các nhà máy, sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt thấp, lượng tồn kho lớn, kinh doanh không hiệu quả. Một số DN rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, phá sản, không tự cân đối được nguồn trả nợ các khoản đã vay để đầu tư. Các DN xây dựng không có việc làm trong khi các công trình dở dang do thiếu vốn, công nợ của DN tại các công trình rất lớn. Ngành xi măng phát huy khoảng 82% công suất thiết kế hiện có, nhưng sản lượng tiêu thụ vẫn thấp hơn kế hoạch. Tuy nhiên, xi măng vẫn là sản phẩm có sản lượng tiêu thụ khá nhất so với các chủng loại vật liệu xây dựng khác như gạch bê tông khí chưng áp, gạch ốp lát, kính xây dựng. Tổng công suất thiết kế các nhà máy gạch ốp lát là trên 400 triệu mét vuông (gồm granite, ceramic, cotto) nhưng nhiều nhà máy đã phải dừng sản xuất 2-3 tháng vì tiêu thụ chậm; công suất hiện có được khai thác thấp, dưới 50%; lượng tồn kho lớn, mặc dù từ đầu năm nhiều dây chuyền phải dừng do không tiêu thụ được. Trong khi mặt hàng kính xây dựng, sản phẩm kính nổi tồn kho trung bình bằng 5 tháng sản xuất, cá biệt có DN tồn 6 tháng sản xuất. Kính cán có 4 dây chuyền, đã phải dừng sản xuất 3 dây chuyền. Kính gia công bị cạnh tranh mạnh hơn, giảm sản lượng 40-50% so với năm 2011. Tính riêng các DN nhà nước trong ngành, tổng sản phẩm tồn kho quy ra tiền khoảng 3.862 tỷ đồng, trong đó xi măng tồn 415 nghìn tấn, gạch ốp lát 4,6 triệu mét vuông, gạch xây 177 triệu viên, kính xây dựng: 14,3 triệu mét vuông, thép 20.179 tấn.
Tính riêng các DN nhà nước, giá trị SXKD giảm, lạm phát, lãi suất cao cũng kéo theo kế hoạch đầu tư phát triển giảm liên tiếp. Tổng số các dự án đầu tư là 445 dự án với tổng kế hoạch đầu tư sau điều chỉnh là 20.015 tỷ đồng (giảm 21% so với kế hoạch là 24.253 tỷ đồng). Tuy nhiên, giá trị thực hiện chỉ đạt 17.807 tỷ đồng và mới có 20 dự án hoàn thành đưa vào khai thác. Lĩnh vực hạ tầng đô thị, xã hội, nhà ở phát triển mạnh những năm trước, đã giảm đáng kể do thị trường BĐS đóng băng, số vốn thực hiện chỉ đạt hơn 10.000 tỷ đồng trong năm 2012. Tương tự, lĩnh vực xi măng, trước tình trạng ế, thừa, tiêu thụ khó, giá trị đầu tư cũng chỉ hơn 50% kế hoạch. Chỉ có hai lĩnh vực là nhà máy điện và giao thông - thủy lợi là có giá trị đầu tư vượt
kế hoạch.
Bao giờ trở lại thời hoàng kim? Câu trả lời không dễ, song rõ ràng "sức khỏe" của DN hiện thời phụ thuộc vào sự ổn định của nền kinh tế. Từ đầu năm, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó đáng kể là việc phá "cục máu đông" thị trường BĐS để lưu thông "mạch máu" nền kinh tế. Chủ trương đã có, giờ còn chờ giải pháp cụ thể của các bộ, ngành có "đúng và trúng", có phát huy được hiệu quả hay không.