Chú trọng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm
Kinh tế - Ngày đăng : 07:01, 13/02/2013
Lắp ráp quạt máy tại Công ty TNHH nhà nước một thành viên Điện cơ Thống Nhất. Ảnh: Trung Kiên |
Thực tế cho thấy, do vốn ít nên nhiều DN "nội" thường chọn cách an toàn là duy trì và nâng cấp sản phẩm cũ, chứ không dám đầu tư vào sản phẩm mới hoặc thay đổi nhận diện thương hiệu do chi phí đầu tư cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, các DN "nội" đã cải thiện sản phẩm nhiều hơn, nhưng nếu so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực và những nước phát triển, DN Việt còn phải học hỏi nhiều để giành được sự lựa chọn của NTD. Hàng nội, sau một thời gian ra thị trường, sức thu hút thường bị giảm do mẫu mã không "bắt mắt" NTD. Hơn nữa, phần lớn các DN là DN vừa và nhỏ, nguồn lực yếu nên mới chỉ tập trung đầu tư vào chất lượng và giá thành sản phẩm, chưa đầu tư cải tiến mẫu mã sản phẩm, thường phụ thuộc vào mẫu mã do nước ngoài đặt hàng. Điều này khiến các DN bị động, trở thành cơ sở gia công cho nước ngoài, chỉ được hưởng một phần lợi nhuận nhỏ. Để tồn tại, nhiều DN đã sao chép lại mẫu mã của DN khác, vô tình đã làm giảm tính sáng tạo và sự hấp dẫn của từng sản phẩm. Các sản phẩm của DN nước ngoài thường đẹp, tinh tế là vì họ có lực để đầu tư cho khâu thiết kế, nếu đi vay ngân hàng họ chỉ phải trả lãi 2%/năm. Trong khi DN Việt đã nghèo lại phải chịu mức lãi suất trên dưới 20%, nên hầu hết đành "bó tay".
Nắm bắt được nhu cầu của NTD, nhiều DN đang nỗ lực cải tiến mẫu mã, ra mắt sản phẩm đẹp hơn đáp ứng thay đổi của thị trường để không bị "tụt hậu" trong cuộc cạnh tranh. Trong đó, không thể không nhắc đến sản phẩm gốm sứ của Công ty Gốm sứ Minh Long. Minh Long là một trong hai thương hiệu của Việt Nam được chọn tham gia triển lãm sản phẩm dành cho người giàu ở nước ngoài. Đại diện công ty cho biết, những gì Minh Long có được hiện nay là nhờ kiên định thực hiện nguyên tắc "bốn có, bốn không". Đó là, có văn hóa, có nghệ thuật, có phong cách riêng và có hồn Minh Long và không biên giới, không thời gian, không giới tính, không tuổi tác. Tại Việt Nam, hiếm có DN thành công như Minh Long trong khâu đầu tư vào kiểu dáng, vì đầu tư vào lĩnh vực này chưa thu được lợi nhuận ngay, lại tốn kém.
Trong chặng đường chinh phục NTD Việt, quạt Điện cơ Thống Nhất đã thay đổi mẫu mã nhiều lần, từ chiếc quạt thô sơ, nhiều chi tiết bằng gang dễ gỉ do thời tiết, khối lượng nặng… đến nay đã gọn, nhẹ, mẫu đẹp, chạy êm, ít tốn điện và còn có chức năng điều khiển từ xa như quạt có xuất xứ từ Nhật Bản, rất thuận lợi cho người sử dụng. Tuy nhiên, giá bán sản phẩm chỉ bằng 1/2 đến 1/3 sản phẩm nhập khẩu. Nhờ đó, các sản phẩm của Điện cơ Thống Nhất không chỉ chiếm lĩnh thị trường nội địa, mà còn xuất khẩu. Sản phẩm nước rửa chén, bát của Công ty Mỹ Hảo cũng vậy, sau hơn mười năm gắn bó với thị trường trong nước bằng chai nhựa màu vàng, Mỹ Hảo đã quyết định thay bao bì sản phẩm bằng chai nhựa mới có kiểu dáng thanh gọn, màu sắc bắt mắt, thân thiện với người sử dụng.
Việc thay đổi mẫu mã và sản phẩm mới đòi hỏi DN luôn phải năng động theo thị trường và nhu cầu của NTD. Điều này sẽ kích thích nhà sản xuất không ngừng đầu tư thêm cho những sản phẩm mới. Để tạo được thành công cho sản phẩm của mình, các nhà sản xuất phải chinh phục NTD bằng gu thẩm mỹ, sự độc đáo và giá hợp lý. Ngoài ra, để kích thích NTD trong nước quan tâm và sử dụng hàng hóa nội địa nhiều hơn, các DN cũng cần quan tâm đến truyền thống, tập quán, nét văn hóa… của dân tộc. Chỉ bằng con đường đầu tư sản phẩm mới, DN Việt mới có thể nâng cao tính cạnh tranh với hàng ngoại.