Đưa con về Tết cho con hiểu

Xã hội - Ngày đăng : 08:56, 11/02/2013

(HNNN) - Mùa xuân này, tôi lại đưa con về ăn Tết xứ Đoài, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Nơi có dòng “sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc”, có mây trắng bồng bềnh trên đỉnh núi Ba Vì.

Xứ Đoài là mảnh “đất thiêng” sinh ra 2 vua: Phùng Hưng, Ngô Quyền và nhiều nhân tài kiệt xuất, nhưng cũng là vùng quê nhiều sỏi ong, đá gan gà, đất đai cằn cỗi, đến nỗi sự nhọc nhằn thể hiện cả trong lời nói của người xứ Đoài: “Ăn cơm thì ít, ăn khoai thì nhiều”. Nói như vậy để hiểu: Từ khó khăn, vất vả vì mưu sinh cuộc sống đã tạo nên một cốt cách, bản lĩnh của người xứ Đoài.

Thuở ấu thơ, tôi đã được học bài học về nguồn cội: “Con chim có tổ như ta có nhà, chim mà mất tổ, chim buồn không ca”. Ấy chính là cây có cội, suối có nguồn.

Ảnh: Quốc Ân


Tết này, tôi đưa con về xứ Đoài, để con tôi được gặp mặt họ hàng, thăm mộ phần của tổ tiên, đắm mình trong “tình thắm duyên quê”, giúp cháu hiểu đạo lý: Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn. Suối có nguồn mới bể rộng sông sâu…

Từ mái ấm nhà tranh của bà nội tôi tới chốn phồn hoa đô thị, tôi luôn mong muốn cháu được hưởng thụ những tinh hoa của nhân loại ở chốn thị thành, từ tiện nghi sinh hoạt hiện đại, đến điều kiện học hành vui chơi...

Đưa con về ăn Tết xứ Đoài, tôi muốn cháu thấy được nét đẹp của: “Văn hóa làng xã”, cảm nhận cái tình quê chân chất, nhưng đậm đà mà trong sáng, giúp cháu hiểu và tự hào về quê nội.

Nhưng rồi, cũng đôi lúc tôi chợt chạnh buồn khi vô tình hay hữu ý cháu bắt gặp một hành xử thiếu lịch sự của ai đó khi nhận xét ai là “Đồ nhà quê”. Thì đây tôi sẽ đưa cháu về gặp những người “nhà quê” thực sự của xứ Đoài. Chắc cháu sẽ lạ lắm, khi gặp những người không quen biết mà họ vẫn mỉm cười gật đầu chào cháu một cách thân thiện. Nếu không biết đường, hỏi thăm những “người nhà quê” họ sẽ sẵn sàng chỉ lối tận tình, mặc dù họ đang bận việc hoặc vội vàng đi công chuyện. Một lời cảm ơn lịch sự dành cho họ cũng chính là nét văn hóa mà tôi mong cháu giữ gìn.

Chúng tôi chẳng là gì ngoài thành phố, vậy mà khi về làng, bà con nội ngoại, xóm giềng đều niềm nở đón tiếp. Họ làm thế chẳng hề có ý cầu cạnh gì mình. Đó là cái nghĩa tình “chân quê” đối với người xa quê, nó mộc mạc mà ấm áp tình người.

Những ngày tháng Chạp áp Tết năm nào cũng vậy từng nhóm vài chục người già trẻ, lớn bé, toàn đàn ông con trai và những chú nhóc vác cuốc cầm hương đi khắp cánh đồng phía Đông lại phía Tây. Đó là người của các dòng họ trong làng, xã đi thăm, sửa sang phần mộ, thắp hương mời những người đã khuất “về ăn Tết” với gia đình họ mạc. Đồng thời trưởng tộc hoặc những người đàn ông cao niên trong dòng tộc giới thiệu đạo đức tính cách, lối sống sự nghiệp của người nằm dưới mộ lúc sinh thời, để con cháu hiểu được về cha ông mình mà đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau, sống có nghĩa có tình. Truyền thống tốt đẹp đó có ở xứ Đoài và nhiều vùng nông thôn khác. Rồi, cũng những ngày ấy, ra đường lớn trong làng ta sẽ gặp không ít người xách những cặp cá trắm, chép, trôi nặng từ 3- 4 kg trịnh trọng mà hớn hở đi “sêu Tết” nhà bố vợ. Họ nhớ ơn cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục, nên ngày Tết đem biếu các cụ: “Bát canh gắp cá” để tỏ lòng hiếu nghĩa.

Con cái lớn lên ở thành phố, các cháu chỉ biết các loại “dịch vụ” mọc lên như nấm. Ngày Tết, giò chả, bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành và những đồ ăn cao cấp khác chỉ cần chạy ù ra phố hoặc một cuộc điện thoại là có ngay một mâm cỗ thịnh soạn. Nhưng ở phố, làm gì có được cái nhộn nhịp, tất bật nhưng rôm rả, tíu tít như nhiều gia đình nhà quê. Người chồng thì mải miết lọc thịt giã giò, gọi con ơi ới lấy hạt tiêu giữa sân. Bên cầu ao, người vợ ngồi bên cạnh nồi nước nóng nghi ngút cọ rửa lá dong gói bánh. Khắp đường làng, ngõ xóm ngào ngạt hương lá dong, đậm mùi không khí Tết. Lại nữa, bên giậu cúc tần, người hàng xóm gọi với sang: “Bác ơi, còn thừa lá dong cho em xin với. Nồi bánh nhà chị có vơi cho tôi luộc nhờ dăm chiếc. Luộc bánh xong chưa bác, cho cháu mượn nồi”. Cái chuyện đi xin, đi mượn, đi nhờ ấy là cái nghĩa tình hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau, khi họ biết nương tựa, đùm bọc nhau, tạo nên chất “tình quê đậm đà”.

Mùa xuân đi xem hội vật làng Bùng, Yên Nội... Ngắm những chàng trai lực điền cơ bắp cuồn cuộn ở quê hương trạng Bùng Phùng Khắc Khoan sử dụng thành thạo những miếng “gồng”, “gảy”, “đệm”, “bốc đôi” trong tiếng trống, tiếng reo hò hối thúc mới thấy cái hồn quê nồng đượm thế nào. Rồi, ngay cả khi có trường hợp trọng tài đã thổi còi, hai đô vật vẫn mải miết quần nhau miếng “đánh bò”; còn khán giả thì cãi nhau, người bảo thua, người bảo chưa thua mà cười đến vỡ bụng khi 2 đô vật một người nằm ngửa, một ngồi lên bụng chờ đợi trọng tài phán xét còn kịp vơ nắm bột đất trên sới thả vào bụng người nằm dưới.

Đưa con về ăn Tết xứ Đoài, tôi muốn cháu thấy được nét đẹp của: “Văn hóa làng xã”, cảm nhận cái tình quê chân chất, nhưng đậm đà mà trong sáng, giúp cháu hiểu và tự hào về quê nội. Đối diện với cuộc đời bao lẽ đục trong, đừng nghiêng đổ trước những ngoa ngôn rỗng tuếch. Hãy lấy cái chân tình của người nhà quê đối đãi với bạn bè và đã nhận được sự trong sáng chân thành từ họ.

Xuân Hoàng