Tết Việt Nam thật thú vị

Đời sống - Ngày đăng : 07:15, 10/02/2013

(HNM) - Với người dân Việt Nam, Tết cổ truyền là thời khắc thiêng liêng mỗi người hướng về gia đình, tổ tiên, quê hương. Còn những người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam thì sao?

Chị Shafinskaya Natalia, cán bộ Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội:
Đón Tết ở Việt Nam thật thú vị

Năm nay là cái Tết thứ tư của tôi ở Việt Nam. Cảm nhận đặc biệt của tôi về tết cổ truyền Việt Nam là không khí chuẩn bị đón tết của người dân. Khi đi trên đường phố Hà Nội, người ta có thể thấy được hương vị Tết sắp tới. Tết đến có người thích đi du lịch, người lại muốn đón năm mới ở nhà cùng gia đình. Tôi rất thích phong tục của Việt Nam là đón tết ở nhà với cả gia đình trong không khí đoàn tụ. Mọi người đi thăm hỏi, chúc sức khỏe các cụ già, gửi quà cho cô chú… Với tôi, được đón tết ở Việt Nam thật thú vị, và tôi có rất nhiều chuyện để chia sẻ với các bạn của mình ở Nga.


Những ngày gần tết là lúc mọi người bận rộn nhất với biết bao công việc phải làm. Trong đó có việc chuẩn bị các món ăn truyền thống cho ngày Tết như gà luộc, giò, thịt đông, bánh chưng… Với tôi, bánh chưng vẫn là đặc sản trong ngày tết của Việt Nam, vì món ăn này kết hợp nhiều thực phẩm khác nhau như gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và các gia vị. Ở nước Nga quê hương tôi không có món ăn giống bánh chưng. Tôi cũng thích phong tục đi lễ chùa đầu năm cầu bình an, sức khỏe và may mắn cho gia đình mình. Tết ở Việt Nam khác nhiều so với Tết ở Nga. Đầu tiên là ở Việt Nam không có tuyết, khí hậu khác nên không khí lễ hội cũng khác. Ở Nga, mọi người thích đi du lịch, nhà hàng nhiều hơn là đón năm mới ở nhà.

Anh Abe Makoto, tình nguyện viên Nhật Bản đang làm việc tại Phòng Tài nguyên Môi trường TP Hội An:
Người Việt Nam dành nhiều thời gian cho gia đình

Người Nhật Bản, có ít thời gian dành cho gia đình. Ngược lại, ở Việt Nam, hầu hết mọi người đều dành thời gian cho gia đình, bạn bè, đặc biệt là trong những ngày tết cổ truyền. Năm ngoái tôi đã ăn tết ở Hà Nội, năm nay tôi ăn tết ở TP Hội An. Điều khiến tôi rất ngạc nhiên khi ăn Tết ở Hà Nội là chiều và đêm Ba mươi mọi người kéo nhau về hồ Hoàn Kiếm rất đông, nhưng đến sáng mùng Một tôi ra đường thì không thấy một ai. Tôi rất ngạc nhiên vì không hiểu họ đi đâu hết ! Tết ở Nhật Bản hiện nay khác hẳn so với tết ở Việt Nam, mọi người chỉ tập trung trong gia đình nhỏ của mình, không đi thăm hỏi, gặp gỡ bạn bè hay chúc Tết nhau.


Tiến sĩ Sim Sang Joon, Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hóa Hàn - Việt tại Hà Nội:
Tôi thích cái Tết sum họp của người Việt

Sống ở Việt Nam 20 năm nay, trải qua nhiều cái tết nên đến nay tôi cũng có nhiều cảm xúc như người Việt Nam chuẩn bị đón Tết. Nhớ lại Tết đầu tiên vào năm 1994 khi gia đình tôi gặp sự cố bất ngờ và không thể nào quên. Lúc đó, chưa biết phải chuẩn bị thực phẩm dự trữ cho ngày tết, nên khi thấy các chợ đều nghỉ và cửa hàng đều đóng, tôi đã rất hoang mang lo lắng. Nhưng may sao chúng tôi có được mấy cái bánh chưng do mọi người tặng và có kim chi nên cũng qua được mấy ngày Tết. Sau đó chúng tôi quen dần với nhịp sống và không khí tết ở Việt Nam.

Khác với Hàn Quốc, ngày Tết ở Việt Nam mọi người đều bận rộn hơn, bắt đầu từ việc cúng lễ vào ngày 23 âm lịch để ông Công, ông Táo lên trời. Không khí đón Tết đến với mọi gia đình, dòng họ và cả xã hội. So sánh hiện tượng giao thông trước và sau tết ở Việt Nam cho thấy sự tương phản thật là thú vị. Thành phố bỗng trở nên vắng lặng êm đềm. Ở Việt Nam trong ngày tết có nhiều nghi lễ cầu kỳ hơn Hàn Quốc: Cúng tất niên, cúng giao thừa, cúng 3 ngày tết... cho đến khi kết thúc gọi là lễ hóa vàng. Tục lệ chọn người xông đất đầu năm ở Việt Nam thật đặc biệt. Tôi cũng có năm được một giáo sư ở cùng tòa nhà mời xông đất và một giáo sư khác mời ăn cơm trong buổi sớm mùng Một. Cảm giác của tôi thật khó tả, vừa sung sướng vì được quý mến vừa cảm động vì đã đem lại niềm vui, hạnh phúc và bình an cho các gia đình này.

Hòa chung với không khí tết ở Việt Nam, gia đình tôi năm nào cũng đi chợ hoa, cũng có bánh chưng, giò, bánh kẹo, hoa quả... Chúng tôi cũng có nhiều khách đến chúc Tết, có nhiều học trò và nhân viên tới thăm. Tết ở Việt Nam thật đầm ấm và thú vị. Những câu chúc Tết của người Việt thật phong phú, hóm hỉnh. Ví dụ như chúc cho “Tiền vào như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như café phin”... Tôi nghĩ những người nước ngoài đến học tập, làm việc và kinh doanh ở Việt Nam cần hiểu hơn nữa về văn hóa và phong tục tập quán của Việt nam. Càng hiểu biết lẫn nhau thì càng thúc đẩy các mối quan hệ phát triển. Năm nào cũng có người hỏi tôi sao không về Hàn Quốc ăn tết? Tôi luôn trả lời Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi.

Đình Hiệp