Tết Bắc trong lòng xuân Nam
Văn hóa - Ngày đăng : 07:08, 10/02/2013
Người ở miền Bắc dường như may mắn hơn khi được đón năm mới với cái se lạnh của đất trời. Chẳng biết có phải vì thế mà thấy cần nhau hơn, cần những nụ cười, những cái ôm xiết nhẹ để rồi tất cả thấy phải thu xếp bút nghiên, dẹp bỏ chuyện đời để trở về, để cảm thấy tình thân gia đình gắn bó hơn. Những thời khắc tống cựu nghênh tân cũng vì thế mà thiêng liêng, quý giá hơn.
Miền Nam lại khác. Xuân về ngập tràn nắng. Nắng vàng rộm, nắng đến nao lòng, nắng đến muốn cháy luôn cùng trời đất. Chẳng biết có phải vì thế, mà người người chẳng muốn áo lụa lượt là, chỉ nhăm nhăm áo thun, quần cộc nhào ra biển vùng vẫy. Bận rộn quá rồi, bon chen ào ào cả một năm rong ruổi với công việc, xuân miền Nam là những chuyến đi cùng gia đình, chào Xuân mới, mùa của niềm tin và hy vọng.
Những người con xa xứ đón tết Bắc trong lòng xuân Nam với nỗi nhớ da diết. Nhớ cái se lạnh của đất trời, nhớ hơi ấm của bếp lửa quê, khi cả nhà quay quần quanh nồi bánh chưng chờ khắc Giao thừa. Lại nhớ cả những ngày tết, mưa phùn vấn vít khắp ngõ nhỏ, phố nhỏ, nơi nhà tôi ở đó. Người Bắc đón tết Bắc trong lòng xuân miền Nam bằng sự chiêm nghiệm nỗi nhớ quê ngày Tết. Nỗi nhớ cứ len lén, kiểu như quay đi rồi gạt nước mắt, như sợ người ta thấy mình mềm yếu và quá lãng mạn. Trước đây xe cộ khó khăn, điều kiện không có, người không trở về đành xúm lại cùng gia đình đón Tết giữa trời Nam như một cách thu mình tìm hơi ấm. Cũng có xôi gấc, bánh chưng, giò thủ, gà luộc, có nấm thả, canh măng để dâng tổ tiên rồi quây quần trong nhà, mở điều hoà cho thật lạnh, như thể mùa đông đã về và tết đang gõ cửa. Nhiều năm trước, những gia đình gốc Bắc xa quê vẫn dặn dò con cháu phải giữ cho được lối đón tết truyền thống. Mâm cơm Tết giữa tiết trời nắng gắt vẫn đậm thói quen xưa với thịt mỡ dưa hành, chỉ khác chăng là không có màn chúc tết xóm làng và cảnh quây quần bên nồi bánh chưng sôi lục ục trên bếp lửa hồng mà là những chiếc bánh chưng mua vội nơi quán Hà Nội hay siêu thị bán đồ quê.
Thời gian trôi đi, tết Bắc trong lòng xuân Nam cũng khác. Những người con xứ Bắc vào Nam lập nghiệp ngày càng nhiều. Vẫn còn đó những hành trình về quê đón Tết dẫu là “vội vã trở về, vội vã ra đi”, những người con xứ Bắc xa quê đều cố thu xếp hành trang, tranh thủ tàu xe, tựa như chạy trốn cái nắng vàng chênh chao để được trở về với cái hanh hao, rét ngọt quê nhà. Trong tâm tưởng của họ, dẫu chỉ có vài ngày để thưởng thức hương vị tết, trong vòng tay gia đình cũng đủ để ấm áp suốt năm dài tha hương. Nhưng cũng có những lịch trình đón Tết mới mẻ với những thói quen mới, không chỉ là sự giao lưu văn hóa hai miền mà còn là sự chấp nhận hòa mình vào những dòng chảy văn hóa mới. Ở những khu tập trung dân Bắc sống đan xen với cộng đồng người Nam như khu vựa Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) hay quận Gò Vấp, quận Tân Bình…, nơi có những cộng đồng người dân Nam - Bắc sống cùng nhau ấy, người dân chia sẻ với nhau phong cách đón tết theo phong tục của quê hương. Nếu người Nam có thói quen gói bánh tét, làm lạp xưởng, khìa thịt ba rọi nước dừa và muối kiệu, dưa món để đón Tết thì người Bắc gói bánh chưng, kho nồi cá chép, nấu bát măng hầm, nén vại dưa cải để làm cơm cúng tết. Ở chung trong cùng một cộng đồng, họ dần quen và hòa mình, giao lưu và chia sẻ, khiến cho cái tết Bắc trong lòng trời Nam không còn cảm giác bị lẻ loi và lạnh lẽo nữa.
Là người miền Nam gốc, nhưng mấy năm nay, ông Ngọc và gia đình sống tại hẻm Đống Đa (quận Bình Thạnh) đón tết với sự hòa quyện ngày càng rõ nét giữa Bắc với Nam. Ông chia sẻ: “Nhiều năm trước, gia đình đón tết kiểu truyền thống của miền Nam, năm nào cũng chỉ có lạp xưởng, dưa kiệu và thịt kho đón xuân. Vài năm nay, không khí đón tết khác hẳn, các gia đình kẻ Bắc, người Nam cùng hẹn nhau gói bánh chưng, bánh tét, đắp bếp đất luộc bánh chung với nhau thay vì ra chợ mua sẵn. Một số hộ gia đình tranh thủ xào giò thủ, kho nồi cá kiểu Bắc, còn nhà kia kho nồi thịt, làm lạp xưởng, rồi chia cho nhau, mỗi nhà một ít, coi như ăn Tết theo cách truyền thống của hai miền!”. Bà Tuấn Nhung (người gốc Bắc, ngụ số 7 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh) thì hào hứng “Mấy năm trước mới chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, đón Tết trong nắng vàng cứ thấy như mình bị bỏ rơi, bị mất cái gì quý giá lắm. Nhưng rồi, thời gian trôi đi, dần quen và sống chung cùng lối xóm. Hàng xóm gốc Nam cũng quen với việc xuân về có bánh chưng, dưa hành, bữa cơm gia đình có thêm món cá chép kho dưa, chan nhanh bát canh măng chân giò hay nấm thả đặc trưng miền Bắc. Vị ngọt từ những món ăn đặc trưng của người Nam cũng xuất hiện và dần quen thuộc trong mâm cơm đón tết của các gia đình người Bắc!”.
Trời phương Nam nắng vàng rộm hoa mai, hoa cúc nay thêm những sắc hồng hoa đào hay những cành lay ơn hồng cam, đỏ tươi đấy quyến rũ của phương Bắc. Người Nam vốn quen với việc Tết là dịp cùng gia đình có những chuyến du lịch thì nay cũng có chút đổi thay, học theo người Bắc, dành thời gian đón tết tại nhà và lễ tổ tiên đêm Giao thừa, ngày mồng Một, rồi mới du xuân bằng những chuyến đi lên rừng xuống biển. Người Bắc sau khi lễ chùa và chúc tết, theo chân người phương Nam, hoà mình vào những chuyến đi dã ngoại, du lịch ngắn ngày cùng gia đình, như một cách đón xuân mới.
Văn hóa vùng miền vốn là những thói quen mang tính đặc trưng, độc đáo và rất riêng. Theo thời gian, những thói quen ấy đã có sự thay đổi, giao hòa và chia sẻ giữa hai miền Nam - Bắc, khiến cho xuân về, tết đến cũng trở nên thi vị hơn.