Công nhân nghèo đón Tết: Hy vọng vào ngày mới…
Đời sống - Ngày đăng : 06:55, 08/02/2013
Nỗi buồn thiếu việc
Tôi gặp chị Thanh tại bến xe Long Biên, Hà Nội. Vừa nghe tôi hỏi, chị đã mừng quýnh tưởng tôi đi tìm người dọn dẹp nhà cửa. Quê chị Thanh ở xã Phia Đén, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng. Với chị, Hà Nội giống như một "mê trận". 22 tuổi, chị đã là mẹ của 3 đứa con và… các khoản nợ. Chị bảo, quê nhà tôi có nghề làm miến nổi tiếng bao đời nay, người dân sống nhờ trồng dong riềng nhưng cả xã may lắm có một vài hộ sống được từ nghề này. Thiếu vốn, thiếu kỹ thuật nên nghề làm miến ở xã chỉ làm thủ công. Thời tiết thuận lợi thì được chút ít, nếu mưa dầm thì cả xã đói vì dong riềng bị thối. Hằng ngày, để có 2 bữa ngô cho 3 đứa con, vợ chồng chị phải lặn lộn làm thuê mới đủ ăn. "Đứa lớn năm nay 6 tuổi nhưng chưa năm nào, đến tết nó được ăn bánh chưng. Nhìn con hì hục gói đất giả bánh chưng mà cái bụng tôi xót xa quá. Thế nên tôi mới theo bạn xuống đây kiếm việc nhưng ngồi gần tuần nay chỉ được thuê bốc vác lặt vặt. Trừ ăn uống, giờ còn được 100.000 đồng, không đủ tiền xe. Làm sao mua được bánh chưng, áo tết cho con chứ…" - chị khóc.
Người lao động cần được hỗ trợ để có Tết no ấm. |
Cùng cảnh nghèo, chị Nguyễn Thị Minh (quê ở Thanh Hóa) than thở: "Chưa năm nào tệ như năm nay. Mọi năm, giờ này ai cũng mướt mồ hôi vì bận nhưng năm nay người nào người nấy ngồi ủ rũ hết vì thất nghiệp". Theo chị Thanh, năm nay việc ở chợ Long Biên rất ít. Chỉ những anh chị thuộc diện "lão làng" mới có việc, còn với những "ma mới", thất nghiệp là lẽ đương nhiên. Với thâm niên 5 năm làm ở Long Biên nhưng những ngày này chị thường xuyên… rảnh rỗi.
Không riêng gì lao động thời vụ, tết năm nay với nhiều người lao động (NLĐ) là cái tết buồn. Gần 4h chiều 26 tháng Chạp, cả khu trọ 10 phòng gần chợ đầu mối Bắc Thăng Long yên tĩnh, vắng vẻ đối lập với khung cảnh ngoài đường người xe đi lại tấp nập. Người trọ ở đây chủ yếu từ những tỉnh xa đến, làm việc trong khu công nghiệp (KCN). Cuối năm nhưng không có việc, người về quê, người đắp chăn ngủ ở nhà, chỉ một số ít đi làm. Chị Nguyễn Thu Hạnh, công nhân KCN Bắc Thăng Long, cho biết, công ty đã cho nghỉ trước đó cả tuần vì không có việc. Tuy nhiên, do chưa được lĩnh lương nên mọi người đành ở lại. "Tiền đã ít nhưng chủ nhà vẫn bắt nộp tiền nhà trước khi về. Không đóng, sau tết lên, đi tìm nhà cũng khốn khổ, mà giờ đóng thì chả còn lại được bao nhiêu. Bố mẹ lúc nào cũng mong mỏi con gái về để sắm tết, vậy mà…" - chị Hạnh than thở. Chào chị Hạnh ra về, vừa bước ra khỏi phòng tôi đã nghe ai đó vừa gảy đàn ghi ta vừa hát: "Đời công nhân có gì đâu em, mất việc rồi mai anh biết đi về đâu?". Nửa năm nay, nhiều công nhân trọ tại đây mỗi tháng đi làm 10 ngày, nghỉ 20 ngày. "Nhàn cư", họ chuyển sang sáng tác nhạc. Hầu hết được nghỉ gần tháng nay nhưng không dám về quê vì không có tiền. Cực chẳng đã, nhiều người tính đến chuyện xin làm bảo vệ hoặc đến các bệnh viện, tìm việc chăm sóc người già ngày tết.
Mong qua tết buồn!
Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đã khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, kéo theo đó là cuộc sống của hàng chục nghìn NLĐ lâm cảnh khốn đốn. Tại Bắc Giang, Công ty TNHH Linh kiện điện tử Sanyo OPT Việt Nam đột ngột ngừng hoạt động khiến gần 4.000 lao động, chủ yếu là nữ, lâm vào tình cảnh mất việc khi Tết Nguyên đán cận kề. Lý do được tổng giám đốc công ty trần tình là "làm ăn thua lỗ". Tại Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, chỉ có 50% doanh nghiệp (DN) công nghiệp đủ việc làm cho dịp cuối năm, có 12,2% DN đang dư thừa lao động và có thể cắt giảm nhân sự. Công đoàn Ban Quản lý KCN-CX Hà Nội cũng cho biết, chỉ có khoảng 50% DN trong nước KCN-KCX có thưởng tết cho NLĐ. Theo bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), đến cuối tháng 12-2012, tổng số NLĐ bị nợ lương là 10.191 người với tổng số tiền hơn 70 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia lao động, năm nay tình trạng chung về lương, thưởng tết bấp bênh, công việc không đồng đều nên NLĐ buồn nhiều hơn vui. Hy vọng vào những ngày mới, NLĐ sẽ... bớt buồn.