Nao lòng nhớ Tết Việt Nam!

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 06:38, 08/02/2013

(HNM) - Năm mới đang thực sự đến rất gần. Nhưng vẫn có những nhà báo Việt Nam đang tác nghiệp ở nước ngoài chỉ có thể nhớ về một không khí Tết của quê hương.

- Là phóng viên của truyền hình (TH) quốc gia tác nghiệp ở nước ngoài, sự khác biệt lớn nhất là gì thưa anh?

- Nước Mỹ có tới hàng nghìn hãng thông tấn báo chí, Đài TH trong và ngoài nước Mỹ hoạt động. Nếu so với Đại diện Đài THVN tại Hoa Kỳ thì họ như Đài THVN tại Việt Nam còn chúng tôi chỉ như... những đài huyện. Về nguyên tắc, báo chí hoạt động bình đẳng. Phóng viên nước ngoài được cấp thẻ báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ có quyền lợi ngang nhau. Tuy nhiên, có nhiều sự kiện, người tổ chức sẽ phải ưu tiên những hãng lớn có ảnh hưởng sâu rộng hơn.


Bằng nhiều cách, anh em đã tận dụng tối đa hình ảnh mua bản quyền và cố gắng có mặt tại các điểm nóng. Cho dù nhiều khi không thực sự xuất hiện bên trong sự kiện, nhưng cũng đã tốt hơn nhiều so với việc cứ ngồi ở Việt Nam để nói về chuyện xảy ra tận bên kia bán cầu.

- Trong năm có hai sự kiện ở Mỹ được khán giả Việt Nam rất quan tâm là bão Sandy và bầu cử tổng thống. Anh có thể chia sẻ thêm với độc giả chuyện tác nghiệp quanh hai sự kiện lớn này?

- Trong hai sự kiện này, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được báo trước còn cơn bão Sandy thì đương nhiên là không.

Về bầu cử, chúng tôi chỉ có một quay phim, nghĩa là chỉ có thể đến được một nơi chờ kết quả. Mà đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thì tổ chức theo dõi kết quả bầu cả ở hai nơi khác nhau. Quyết định đến địa điểm của Dân chủ, khi ông Romnney dẫn trước, chúng tôi cũng hơi lo. Nhưng sau rồi thì... mừng quá vì mình đã đoán đúng.

Về bão Sandy, tôi cũng có chút kinh nghiệm khi đưa tin bão trong nước. Chỉ có điều ở Mỹ, khi có bão, cảnh sát không cho người dân ra đường, kể cả phóng viên. Sau bão, việc tác nghiệp cũng cực kỳ khó vì không ai được vào những nơi thiệt hại nặng. Tôi đã phải lái xe gần 500km lên New York nhưng đến 2/3 đường phải quay về vì không thể nào vào được thành phố.

- Nhân vật, câu chuyện nào để lại cho anh nhiều ấn tượng nhất trong thời gian tác nghiệp ở Mỹ?

- Đó là câu chuyện về các cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam và những Việt kiều tại Mỹ. Có cựu binh Mỹ đã sống cô lập suốt 40 năm trên một đỉnh núi. Sau đó, ông đã công bố cuốn nhật ký của một liệt sỹ Việt Nam mà mình nhặt được trong một trận đánh. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Paneta đã trao lại cuốn nhật ký này cho Bộ trưởng Quốc phòng nước ta Phùng Quang Thanh vào tháng 6-2012. Khi được thấy cuốn nhật ký trở về với gia đình liệt sỹ, người cựu binh Mỹ này đã khóc và nói rằng, giờ đây ông có thể ngủ ngon.

Nhiều Việt kiều mà chúng tôi tiếp xúc cũng đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng mạnh, như cô gái khiếm thị Christines Hà - người giành giải vua đầu bếp trên truyền hình Mỹ.

- Đón Tết cổ truyền dân tộc tại Mỹ cảm giác của anh và các đồng nghiệp ra sao?

- Đây đã là Tết thứ 4 chúng tôi ở Mỹ, với riêng tôi là Tết thứ 6. Nếu Tết trùng vào ngày nghỉ cuối tuần thì còn có không khí vui vui, chứ vào ngày thường, mọi người vẫn đi làm, trẻ con vẫn đi học. Như các gia đình Việt khác, chúng tôi cũng soạn bữa cơm tất niên và gà cúng phải gửi mua ở tận New York hay Philadelphia cách hàng trăm cây số vì gà ở đây toàn không có đầu! Nao lòng nhất là lúc xem truyền hình Việt Nam về không khí đón năm mới ở nhà.

Chỉ ít ngày nữa là đến năm mới Quý Tỵ 2013, nhân dịp này tôi và các đồng nghiệp xin qua Báo Hànộimới gửi tới bạn đọc của báo, cũng như khán giả truyền hình cả nước, lời chúc sức khỏe, may mắn!.

- Xin cảm ơn anh!

Vũ Thược