Bí quyết lật tẩy thẻ cào viễn thông giả mạo

Xe++ - Ngày đăng : 15:03, 07/02/2013

Thời gian gần đây trên thị trường viễn thông đã xuất hiện kiểu lừa đảo mới - thẻ nạp tiền giả gây bức xúc và thiệt hại cho khách hàng. Không chỉ vậy, nó còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của nhà cung cấp dịch vụ.


Ảnh minh họa




Theo phản ánh của một số khách hàng, sau khi nạp các loại thẻ cào mang mệnh giá 100.000, 200.000 đồng…được thông báo giá trị thẻ nạp vào tài khoản chỉ là 20.000, 10.000 đồng, thấp hơn nhiều so với mệnh giá thực ghi trên thẻ.

Đối tượng lừa đảo thường lựa chọn các địa bàn xa dân cư, điểm bán lẻ, cửa hàng điện thoại, hộ kinh doanh sim thẻ nhỏ lẻ và lợi dụng sự thiếu hiểu biết, quan sát, kinh nghiệm của người bán hàng nhằm mục đích lừa đảo.

Chúng lựa chọn địa điểm thuận lợi sau đó thực hiện giao dịch mua một số thẻ (cùng mệnh giá hoặc các mệnh giá khác nhau), thanh toán đầy đủ tiền cho người bán hàng; sau đó quay lại tìm cách đổi thẻ có mệnh giá khác hoặc trả lại thẻ với lý do như: thẻ bị lỗi, hết thời gian khuyến mãi và hứa lần sau sẽ quay lại mua nhiều thẻ hơn vào các dịp khuyến mãi.

Những chiếc thẻ bị trả lại hoặc bị tráo đổi sau đó được người bán hàng tiếp tục bán cho người tiêu dùng trực tiếp; chỉ sau khi khách hàng mua thẻ quay lại thắc mắc việc số tiền của thẻ nạp thực tế thấp hơn nhiều so với số tiền đã bỏ ra mua thẻ lúc đó người bán hàng mới phát hiện ra hành vi lừa đảo của kẻ gian.

Chiêu thức lừa đảo cũng rất tinh vi. Chúng mua thẻ mệnh giá thấp (10.000, 20.000 đồng…), lấy mã số kích hoạt trênlớp tráng bạc của chiếc thẻ đó rồi in đè lên thẻ có mệnh giá cao đã từng được kích hoạt và đã qua sử dụng (100.000, 200.000 đồng …), sau đó dùng công nghệ để phủ lớp nhũ lên những chiếc thẻ cào đã qua sử dụng, lợi dụng sự bất cẩn của đại lý bán thẻ để đánh tráo lấy thẻ thật.

Với những thẻ cào bị làm giả, sau khi cào lớp tráng bạc, người dùng sẽ có mã số kích hoạt (giá trị 20.000 đồng), còn dãy số phía dưới là dãy số đã được kích hoạt, không có giá trị nạp tiền. Chúng cũng bóc tách lớp mặt giấy ghi mệnh giá của thẻ có mệnh giá cao ra rồi dán lên thẻ có mệnh giá thấp hơn nhằm hưởng phần chênh lệch.

Ngoài ra, đối tượng lừa đảo lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để lừa đảo qua tin nhắn, điện thoại, chat trực tuyến với hình thức mạo danh bạn bè, người thân nhờ giúp nạp thẻ, nhà cung cấp dịch vụ nội dung, gọi điện thoại cho khách hàng thông báo trúng thưởng với giá trị lớn, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, nạp tiền, chuyển tiền vào tài khoản đã được chỉ định.

Làm thế nào để phân biệt được thẻ cào giả?

Để tránh mua phải thẻ cào giả, người nạp thẻ cần lưu ý một số kinh nghiệm dưới đây:

Thứ nhất, bao giờ thẻ cào thật được in màu đẹp, rõ nét, ghi rõ mạng viễn thông, mệnh giá, cách nạp tiền và kiểm tra tài khoản, số seri thẻ và lớp tráng bạc che mã seri nạp tiền. Thẻ cào giả khi dùng tay sờ vào lớp nhũ bạc sẽ thấy nổi gờ lên vì được dán thủ công.

Một chiếc thẻ thật được in 2 mặt, thẻ giả do bóc dán nên sẽ bị bong, hở giữa mặt sau và mặt trước. Theo quy định, con số hiển thị trên phần tráng bạc nhìn thấy được phải trùng với giá trị thẻ cào được in ở mặt sau của thẻ.

Khi mua thẻ, người tiêu dùng cần phân biệt thẻ giả bằng mắt thường bởi hình thức làm thẻ giả khá đơn giản, mặt trước thẻ vẫn là mệnh giá 100.000 đồng trong khi phần tráng bạc lại hiển thị mệnh giá 20.000 đồng, nếu nhìn kỹ sẽ nhận ra.

Thứ hai, khi mua thẻ nạp, khách hàng nên cào thẻ, kích hoạt tài khoản ngay tại điểm bán hàng để kiểm tra tính chính xác số tiền trong tài khoản sau khi nạp thẻ đảm bảo sự trùng khớp giá trị thẻ nạp theo đúng mệnh giá.

Ngoài ra, khách hàng có thể nạp thẻ cho điện thoại động qua hình thức thanh toán điện tử (Mload, Eload) để đảm bảo tính chính xác, không bị mua phải thẻ giả, tiết kiệm thời gian đi lại...

Phan Lê