Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản lại “dậy sóng”

Thế giới - Ngày đăng : 07:07, 07/02/2013

(HNM) - Chưa đầy một tuần sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra đề xuất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh, hoặc một cuộc đàm phán cấp cao để cải thiện quan hệ với Trung Quốc sau những tranh cãi xung quanh chủ quyền quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, quan hệ giữa hai quốc gia này lại xuất hiện những căng thẳng mới.

Một tàu Hải quân Nhật Bản được cho là đã trở thành “mục tiêu” của Trung Quốc.


Trung Quốc chưa lên tiếng vụ việc, nhưng trong một phát biểu mới nhất trước Quốc hội ngày 6-2, Thủ tướng Shinzo Abe cho đây là "hành động nguy hiểm có thể dẫn đến một tình huống không thể đoán trước" khi tranh chấp biển đảo giữa hai nước chưa có dấu hiệu lắng dịu. Tuyên bố Thủ tướng Nhật Bản đưa ra chưa đầy 24 tiếng sau khi Bộ Ngoại giao nước này triệu Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa đến để phản đối việc tàu Trung Quốc tiếp tục đi vào vùng biển tranh chấp. Đây là lần đầu tiên dưới thời tân Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản triệu đại sứ Trung Quốc, sau khi Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) phát hiện hai tàu hải giám Trung Quốc đi vào vùng biển tranh chấp và lưu lại trong 14 giờ. Theo thống kê của Nhật Bản, đây là lần thứ 25 tàu Trung Quốc đi vào vùng biển này kể từ khi Tokyo quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc quần đảo tranh chấp này hồi tháng 9 năm ngoái. Đại sứ Trình Vĩnh Hoa đã bác bỏ mọi cáo buộc khi khẳng định rằng, các tàu hải giám Trung Quốc chỉ thực hiện hoạt động tuần tra thông thường trên lãnh hải của nước này; đồng thời nhấn mạnh chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản một lần nữa đứng trước nguy cơ "dậy sóng" khi cả hai nước không tỏ dấu hiệu nhượng bộ trước vấn đề chủ quyền với quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giàu tài nguyên. Ngược lại, mỗi bên đều có những bước chuẩn bị riêng để khẳng định chủ quyền quần đảo này bằng mọi giá. Sự kiện Chính phủ Nhật Bản mới đây cho thành lập văn phòng mới phụ trách việc phổ biến lập trường của Tokyo với các vùng lãnh thổ tranh chấp với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga là một ví dụ. Việc thời gian qua Trung Quốc và Nhật Bản đều cử các máy bay quân sự tới khu vực trên - cho dù chưa xảy ra va chạm - cũng khiến dư luận khu vực hết sức quan ngại. Các chuyên gia phân tích cảnh báo rằng, nếu những động thái trên tiếp tục diễn ra có thể sẽ dẫn đến nguy cơ xung đột vũ trang giữa hai nước.

Những gì diễn ra một lần nữa cho thấy, nỗ lực kiếm tìm một giải pháp hòa bình bền vững và lâu dài để hóa giải những tranh cãi xung quanh chủ quyền quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư của hai bên không hề đơn giản. Trong đó những nghi kỵ sâu sắc, áp lực ngày một lớn trong cuộc đua tranh ảnh hưởng vị thế ở khu vực cùng một số lý do khách quan về mặt lịch sử để lại là những rào cản ảnh hưởng đến nỗ lực cải thiện quan hệ của hai nước thông qua đàm phán. Mặc dù thời gian qua cả Trung Quốc và Nhật Bản đều có bước đi nhằm giảm căng thẳng, nhưng kết cục chưa đi đến đâu bởi mỗi bên đều giữ vững quan điểm về chủ quyền quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Năm 2012 quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn hàng đầu Châu Á đã "đi qua vùng thời tiết xấu" đúng vào thời điểm kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Mặc dù những tranh cãi liên quan đến chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn được hai nước kiểm soát, thế nhưng những thiệt hại về kinh tế do căng thẳng trong quan hệ là điều không ai có thể tính toán hết. Trong bối cảnh đó, việc "hâm nóng" mối quan hệ đôi bên cùng có lợi thông qua đàm phán trong thời gian sớm nhất là điều đang được dư luận khu vực trông đợi.

Đình Hiệp