Mơ về một mùa xuân ấm áp

Xã hội - Ngày đăng : 06:50, 07/02/2013

(HNM) - Ngày áp tết, thời gian dường như gấp gáp hơn. Ai cũng cố gắng hoàn thành những công việc còn lại để sớm đoàn viên bên gia đình đón xuân sang.

Những người bán dạo vẫn miệt mài mưu sinh. Ảnh: Phương Thảo


Dăm năm nay, chị Phượng (ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cùng gia đình bám trụ tại Hà Nội. Hằng ngày, chị bán báo dạo trên các tuyến phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Cửa Nam. Chồng chị từ sau Tết Dương lịch cũng đã ra góp mặt vào "đội quân" đánh giày, còn con trai thì phụ việc tại một quán cà phê. Cả ngày bám đường kiếm miếng cơm, manh áo, đến khuya cả gia đình mới tụ họp trong một góc nhỏ thuê 400 nghìn đồng/tháng ở phía sau Ga Hà Nội. 25 Tết, cả gia đình chị Phượng vẫn bám trụ thành phố. Chị Phượng cho biết: "Ngoài 23 tháng Chạp thu nhập từ việc bán báo gần như ngừng lại nhưng tôi vẫn cố ở lại đi đánh giày cùng chồng, tối thì tranh thủ đến mấy nhà người quen dọn dẹp nhà cửa. Năm nay làm ăn khó quá, chắc phải 28-29 mới về. Mọi ngày giá xe có 80 nghìn đồng, tết đến tăng lên 200 nghìn đồng, nghĩ cũng nản".

Cũng giống như chị Phượng, rất nhiều lao động ngoại tỉnh đang tranh thủ thời gian còn lại của năm cùng, tháng tận ở lại Thủ đô để kiếm tiền. Anh Kiên, một lái xe thuê quê ở Vĩnh Phúc cho biết, 26 âm mới hết lịch chạy xe, nhưng vợ chồng anh quyết định ở lại lấy hoa tươi về bán và hy vọng công việc suôn sẻ để chiều 29 hai vợ chồng được về quê. Con gái đang gửi bên ngoại chắc trông bố mẹ lắm, nhưng biết làm sao được!

Không may mắn như chị Phượng, anh Kiên, những người đã quen đường đi lối lại tại Thủ đô, nhiều lao động ngoại tỉnh đổ về thành phố tìm việc những ngày giáp tết đang rơi vào cảnh "người đợi việc". Tại các "chợ lao động" khu vực đường Bưởi - Hoàng Quốc Việt, đầu cầu vượt Mai Dịch, chợ Long Biên, đầu cầu Vĩnh Tuy đang rơi vào tình trạng ế ẩm. Ở đoạn đê đầu cầu Vĩnh Tuy, nhiều khi 21-22h vẫn có vài ba nhóm người ngồi chờ việc.

Chị Tỉnh, ở Nam Định, chuyên thu mua phế liệu than thở, mọi năm giáp tết đi mua vỏ bia, đồ đạc khá thuận lợi, thỉnh thoảng có người còn gọi vào dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ cũng kiếm được đôi chục nghìn đồng. Năm nay đi mỏi chân mà chẳng ăn thua. Còn chị Ngân, 46 tuổi ở Bắc Ninh chia sẻ, cả tết gia đình trông vào vụ khoai tây, nhưng năm nay khoai mất mùa nên chồng chị ở nhà tranh thủ đi làm thợ xây, còn chị ra Hà Nội mong gỡ gạc đôi chút. Có gia đình bán hoa cây cảnh đang cần người phụ giúp đã trả chị mỗi ngày 100 nghìn đồng nên tết này mấy đứa cháu cũng có bộ quần áo mới.

Gần chục năm trở lại đây, sau Tết Dương lịch, Hà Nội lại tấp nập hơn khi nhiều người dân ở các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Nam Định, Phú Thọ, Hà Nam đổ về kiếm kế sinh nhai. Không nghề nghiệp, họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì miễn có người thuê từ dọn dẹp nhà cửa, bốc vác đến chăm người ốm. Công việc bấp bênh, gặp việc thì làm nhưng ai cũng cố ở lại, vì một ngày làm ngoài phố có khi bằng cả tuần ở quê. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên người đi thuê cũng hạn chế. Việc này khiến công cuộc mưu sinh của người lao động ngoại tỉnh càng gian nan. Chân ướt chân ráo ra Thủ đô, để kiếm được việc làm, có chút dành dụm về quê đối với không ít người là cuộc vật lộn khó nhọc. Rỗi việc, không ít người rủ nhau cờ bạc, thậm chí đã xảy ra xô xát giữa những người làm thuê.

Đà Đông