Đạo diễn, NSND Hải Ninh: Trọn vẹn tình yêu Hà Nội

Văn hóa - Ngày đăng : 06:48, 07/02/2013

(HNM) - Đạo diễn, NSND Hải Ninh - một trong những cánh chim đầu đàn của điện ảnh cách mạng Việt Nam vừa qua đời ngày 5-2, ở tuổi 82.

Đạo diễn Hải Ninh quê ở Thanh Hóa, nhưng có thể nói cuộc sống cũng như sự nghiệp điện ảnh của ông lại gắn bó đặc biệt với Hà Nội. Ông đã mang Hà Nội vào điện ảnh và để lại những tác phẩm kinh điển gắn liền với Thủ đô. Trong đó, có thể kể đến "Em bé Hà Nội" và "Đêm hội Long Trì".

Cảnh trong phim “Em bé Hà Nội”.


Chỉ chừng hai tháng trước khi ông ra đi, NSND Hải Ninh còn gọi điện tới trao đổi với đạo diễn Đan Thiết Thụ (Giám đốc Hãng phim Sao Khuê - Hội Điện ảnh Hà Nội) để trao đổi về kịch bản phim "Người mẹ Hà Nội" mà ông gửi gắm cho hãng phim này. Ông đã tâm huyết với Hà Nội cho đến những ngày cuối của cuộc đời mình.

Kịch bản "Người mẹ Hà Nội" đã được Hội đồng nghệ thuật (do Sở VH-TT và DL Hà Nội thành lập) thẩm định và báo cáo UBND thành phố Hà Nội ngày 26-12-2012: Kịch bản có ý tưởng, nội dung tốt, tính nhân văn sâu sắc, đề cao phẩm chất nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Phải nói, ẩn sau những dòng đánh giá ngắn gọn ấy là hơn 60 trang viết đầy xúc động, khắc họa tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam thông qua câu chuyện của một người mẹ Hà Nội trước và sau những ngày B-52 đánh phá Thủ đô và làng Yên của mẹ.

Mở đầu từ chuyện phái đoàn tìm kiếm hài cốt phi công Mỹ tử trận ở các vùng ngoại vi Hà Nội, NSND Hải Ninh lần lượt dẫn dắt người xem qua những tình tiết bất ngờ, những câu chuyện xúc động đến nghẹt thở. Trung úy John Braw lái chiếc phản lực F4 đánh vào khu vực phía bắc Hà Nội đêm 18-12-1972. Máy bay cháy lao xuống vườn nhà bà mẹ Lũy (tên người con trai duy nhất của bà). Bà mẹ Lũy sau những đấu tranh giằng xé đã lập cho John một bệ thờ vì bà nghĩ: "Thằng John, dù sao cũng đã chết. Tôi nghĩ mẹ nó cũng đau khổ như tôi. Đã là mẹ thì chỗ ướt mẹ nằm, chỗ khô con ngủ… Tôi cũng là người mẹ, tôi mới xây cho thằng John một bệ thờ, để cho nó có nơi yên nghỉ…". Nhưng điều đáng nói nữa là trong vườn của mẹ có tới hai ngôi mộ - ngoài mộ John còn có mộ của con trai bà.

Câu chuyện hai ngôi mộ nằm trong vườn bà mẹ hơn 20 năm đã khiến những cựu binh Mỹ, các nhà báo Mỹ và bà mẹ Mỹ bàng hoàng… Bà mẹ Mỹ (từng biểu tình chống chiến tranh Việt Nam) nói với mẹ Lũy: "Thưa bà, trên thế giới này còn ở đâu có trong vườn của một người mẹ lại có hai ngôi mộ, một cho con trai, một cho kẻ thù của chính mình… Có bà mẹ nào đã vượt qua được nỗi đau mất con để tha thứ cho kẻ thù. Uy vũ, đàn áp không khuất phục được tôi. Tôi đấu tranh cho hòa bình, nhưng tôi đã bị khuất phục trước tấm lòng khoan dung cao cả của bà…".

Tất nhiên, hành động của mẹ Lũy không hề dễ dãi, đơn giản. Tất cả những gửi gắm, bí ẩn và cao trào của tác phẩm nằm trong sự giằng xé của mẹ Lũy, trong mâu thuẫn tột cùng của con dâu mẹ (vợ liệt sĩ Lũy) và trong nhiều diễn biến khác của các nhân vật, kể cả linh hồn của John và Lũy… Tận cùng những giằng xé ấy là tinh thần nhân bản, yêu chuộng hòa bình của người Việt, là những nỗi đau chung của con người trước chiến tranh… Đạo diễn, nhà quay phim Đan Thiết Thụ chia sẻ: NSND Hải Ninh đã tin tưởng gửi gắm lại cho chúng tôi kịch bản này. Chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện tâm nguyện của ông!

Chắc hẳn, công chúng yêu điện ảnh không thể quên, đạo diễn, NSND Hải Ninh từng rất thành công với bộ phim "Em bé Hà Nội"- Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần III và Giải Đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế Matxcơva cùng trong năm 1975. Có thể chăng, 40 năm sau khi "Em bé Hà Nội" ra đời, tên tuổi NSND Hải Ninh lại được ghi dấu trong làng điện ảnh nước nhà với vai trò tác giả kịch bản một bộ phim truyện mang tên "Người mẹ Hà Nội"?

Nhưng trước hết, phải khẳng định một điều, với kịch bản này, một lần nữa ông đã khiến chúng ta hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn về một điều giản dị: phận sự người nghệ sĩ là sáng tạo, sáng tạo không ngừng!

Thi Thi