Trách nhiệm không của riêng ai

Giáo dục - Ngày đăng : 06:07, 07/02/2013

(HNM) - Chuẩn bị cho các kỳ nghỉ lễ, Bộ GD-ĐT có văn bản chỉ đạo các Sở GD-ĐT tăng cường bảo đảm an toàn trường học, chủ động có biện pháp ngăn chặn tình trạng HS đánh nhau, nhất là vào dịp nghỉ lễ. Thế nhưng, khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ mới cận kề, trên cả nước liên tiếp xảy ra những vụ việc đau lòng mà thủ phạm và nạn nhân đều đang ngồi trên ghế nhà trường.


"Điểm mặt, chỉ tên"


Tháng áp Tết Nguyên đán, nhiều vụ việc đánh nhau của HS ở một số địa phương khiến dư luận không khỏi lo lắng. Mới đây nhất là vụ HS của một trung tâm giáo dục thường xuyên ở TP Đà Nẵng dùng mã tấu, gậy, dao đánh nhau. Mặc dù lực lượng công an đã ngăn chặn kịp thời vụ việc song câu chuyện khiến người dân khu vực hoang mang, dư luận bức xúc... Cách đây vài ngày, cư dân mạng đã hết sức phẫn nộ khi trên trang mạng xuất hiện một đoạn clip quay cảnh đánh nhau "giáp lá cà" giữa hai HS, một nam và một nữ, xung quanh có rất nhiều bạn đều mặc đồng phục HS reo hò, cổ vũ. Ở một tỉnh phía Nam, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ sau dịp nghỉ Tết Dương lịch, một HS lớp 8 đã rủ bạn bè bên ngoài vào trường để "dạy dỗ" nhóm bạn cùng khối. Sự việc được phát hiện khi ban giám hiệu nhà trường bất ngờ kiểm tra cặp sách của một số HS có mang hung khí. Đau lòng nhất phải kể đến vụ một HS lớp 10 ở Phú Yên bị bạn học cũ đâm chết vào những ngày cuối năm 2012 chỉ vì mâu thuẫn nhỏ. Thủ phạm đã bị bắt ngay sau đó, công an đã khởi tố, song vụ án một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm của những người làm công tác quản lý, giáo dục HS trong bối cảnh phức tạp hiện nay.


Cần kiên trì trong việc rèn luyện kỷ luật tự giác, thói quen sống có ý thức, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng cho học sinh. Ảnh: Phương An


Hai năm trước, sự gia tăng về số lượng và độ phức tạp của tình trạng HS đánh nhau đã được lãnh đạo Bộ GD-ĐT thừa nhận. Đã có hẳn một hội nghị quốc gia được tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà tâm lý giáo dục, nhà quản lý, các thầy, cô giáo để cùng mổ xẻ các nguyên nhân và bàn thảo biện pháp để ngăn chặn tình trạng này. Thực tế cho thấy, tình trạng đánh nhau không chỉ xảy ra đối với HS THPT, HS nam mà còn diễn ra ở các cấp học và có cả sự tham gia của nữ sinh. Rất nhiều nguyên nhân đã được "điểm mặt, chỉ tên". Nhưng dường như những giải pháp đưa ra vẫn chưa đủ mạnh, hoặc người lớn thiếu nghiêm khắc, quyết liệt nên tình trạng HS đánh nhau vẫn xảy ra ở nhiều nơi và có xu hướng diễn biến phức tạp.

Trách nhiệm của cả "ba nhà"

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, để ngăn chặn, tình trạng HS đánh nhau, kể cả trong và ngoài nhà trường không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của riêng nhà trường, mà còn cần sự chung tay của cả "ba nhà": nhà trường - gia đình - xã hội. Sau hội thảo quốc gia về các biện pháp ngăn chặn tình trạng HS đánh nhau vào năm 2010, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu các địa phương từ năm học 2010-2011 phải thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề "Nói không với việc HS đánh nhau" trong nhà trường, coi trọng giáo dục kỹ năng sống cho HS và thí điểm chọn một giáo viên (có biên chế) làm công tác tư vấn tâm lý học đường. Thế nhưng chỉ đạo này của Phó Thủ tướng Chính phủ dường như chưa được các sở GD-ĐT quan tâm triển khai. Trong khi đó, quá trình giải quyết các vụ việc bộc lộ rõ nhiều bất cập mà các lực lượng chức năng cần quan tâm thấu đáo.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội): Chúng ta đã chỉ ra các thiếu sót từ nhiều phía nhưng chưa đủ, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện nay. Thay bằng việc áp đặt các hình thức kỷ luật, cả "ba nhà" cần quan tâm, kiên trì trong việc rèn kỷ luật tự giác, thói quen sống có ý thức, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng cho HS. Đơn cử, với đặc thù hầu hết HS đều "có cá tính" như ở Trường Đinh Tiên Hoàng, ngoài việc dành thời lượng thường xuyên cho nội dung giáo dục, uốn nắn, hình thành ý thức tự giác cho HS, nhà trường còn phân công giám thị chuyên trách để giám sát việc chấp hành nội quy của HS ở cả hai ca học. Và nếu các em vi phạm kỷ luật, hãy để chúng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, chứ không nên để cha mẹ chịu tội thay như hiện nay. Điển hình như vụ việc phát hiện HS THCS mang hung khí đến lớp đã nói ở trên, nhà trường cũng chỉ dừng lại ở việc yêu cầu HS ký cam kết, mời phụ huynh đến nhắc nhở. Ở nhiều nơi, nếu HS tái phạm nhiều lần, phụ huynh sẽ được gợi ý chuyển trường.

Rõ ràng là việc kiên trì rèn ý thức chấp hành kỷ luật và việc để cho con trẻ làm sai tới đâu, chịu tội tới đó một cách tâm phục, khẩu phục chưa được các bậc làm cha, làm mẹ và các nhà giáo dục nhận thức đầy đủ, đúng đắn. Nhận định này của TS Nguyễn Tùng Lâm đáng để "ba nhà" cùng suy ngẫm.

Thống Nhất