Thừa vẫn thừa, thiếu… vẫn thiếu!
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:27, 07/02/2013
Trước hết, xét về số lượng, sau khi thực hiện tinh giản biên chế có thể nói cho tới thời điểm này bộ máy của chúng ta - như cỗ xe mà Vụ phó Hoàng Quốc Long ví von - chưa hết cồng kềnh. Vậy nhưng theo báo cáo của cơ sở và các ngành, lĩnh vực, hầu như nơi nào cũng "kêu" cần bổ sung biên chế. Đó cũng chính là lý do được "vin" vào khi nhiệm vụ được giao không đạt kết quả như mong muốn. Lấy ví dụ, năm 2012 ở một số nơi trên địa bàn Hà Nội xuất hiện khá phổ biến tình trạng xây dựng không phép hoặc sai phép. Nguyên nhân được cấp dưới báo cáo là do thiếu lực lượng hoạt động trong lĩnh vực này. Song trên thực tế như quận Long Biên có 230 biên chế thì lực lượng thanh tra xây dựng là 70; huyện Sóc Sơn có 274 biên chế thì có tới 121 thanh tra xây dựng… Như vậy dù số lượng thanh tra xây dựng ở nhiều nơi chiếm từ gần 1/3 tới gần 1/2 tổng số biên chế nhưng vẫn được coi là chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình thực tế.
Tương tự qua thanh tra, kiểm tra tại các bộ phận "một cửa" trên địa bàn Hà Nội, không ít cơ sở phàn nàn chuyện thiếu biên chế, cán bộ được giao nhiệm vụ làm không hết việc. Điều đó dẫn đến dư luận xì xào việc sang tên "sổ đỏ" ở bộ phận "một cửa" quận này, quận kia rất cách rách. Hay như chuyện công chứng giấy tờ ở các phường, dù "một cửa" nhưng nhẹ ra phải mất nửa ngày, còn hẹn tới hôm sau là bình thường. Lý do đưa ra là cán bộ làm ngay nhưng không có người ký, cán bộ có thẩm quyền còn bận họp…
Rồi cũng là chuyện dư luận mách bảo nhau muốn công chứng, chứng thực nhanh gọn các loại giấy tờ nên tìm đến phường Kim Liên (quận Đống Đa). Phải chăng biên chế cho bộ phận "một cửa" ở phường này được "ưu đãi" hơn các phường khác trong nội thành?
Nói thế để thấy số lượng biên chế là quan trọng, nhưng chất lượng người thực thi công vụ còn quan trọng hơn rất nhiều. Thực trạng là trong đội ngũ công chức, viên chức nền hành chính phục vụ của chúng ta hiện nay có không ít người đi ra, đi vào mà không biết mình phải làm gì, bắt đầu từ đâu. Một bộ phận cán bộ tồn tại dường như để "trang trí" cho các công sở. Do đó, chúng ta mới phải đẩy mạnh việc tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, tiến hành cải cách hành chính, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân…
Ở một khía cạnh khác, dễ dàng nhận thấy chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay còn nhiều bất cập. Như khảo sát thì phần thu nhập "cứng" mới chỉ đáp ứng được 50 tới 70% chi phí tối thiểu hằng tháng của mỗi người. Song điều lạ là, dù vậy nhưng khi thi tuyển công chức, viên chức vẫn có dư luận về chuyện nhờ vả, chạy chọt. Phải chăng nhiều người muốn có một công việc nhàn tản hoặc làm việc tại các cơ quan hành chính vẫn còn có những khoản thu nhập "ngoài luồng"?
Tại các cơ quan hành chính hiện nay, một thực tế đang tồn tại là nhân sự nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu. Giải quyết tình trạng này cần có đồng bộ các giải pháp nhưng có lẽ, việc đầu tiên là phải cắt bỏ những trường hợp, những bộ phận chỉ đảm đương mỗi nhiệm vụ "trang trí hình thức" cho các công sở.