Dồn điền đổi thửa ở Hà Nội: Không ngại khó - sẽ thành công

Xã hội - Ngày đăng : 06:32, 06/02/2013

(HNM) - Năm 2012 khép lại với thành công lớn trong lĩnh vực dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt, chỉ trong một năm cấp tập triển khai, toàn thành phố đã dồn đổi được 30.002ha, vượt 1,5 lần kế hoạch và bằng cả chục năm trước cộng lại.

Kinh nghiệm ở nhiều địa phương cho thấy thành công chính là nhờ có cơ chế, chính sách kịp thời của thành phố, sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở ở các thôn, xã.

Sản xuất sau dồn điền đổi thửa ở xã Liên Mạc, huyện Mê Linh.


Thành công ngoài mong đợi

Trên cánh đồng của xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, những chiếc máy cày chạy xình xịch trên đồng làm đất chuẩn bị cho vụ lúa xuân. Lão nông Bùi Văn Lý, xóm 1, thôn Xa Mạc phấn khởi cho biết, cũng như nhiều xã khác, trước đây, ruộng đất ở xã Liên Mạc rất manh mún, mỗi hộ có từ 8 đến 12 thửa, bây giờ, mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa. Thửa lớn nhất rộng 5.400m2, nhỏ nhất cũng rộng 400m2, canh tác thuận lợi hơn nhiều. Theo Bí thư Đảng ủy xã Liên Mạc Tạ Quang Đáp, triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), xã chọn DĐĐT làm khâu đột phá. Đến hết năm 2012, xã đã dồn được hơn 400ha đất nông nghiệp, từ đó quy hoạch lại thành các vùng sản xuất tập trung. Từ khi chia lại ruộng thành thửa lớn, xã vận động nhân dân mua mới 2 máy gặt đập liên hoàn, 15 máy làm đất, nâng tổng số máy làm đất toàn xã lên 65 chiếc. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp nhàn hơn, ước tính giảm 70% ngày công lao động và tiết kiệm 1/3 chi phí sản xuất so với trước kia.

Liên Mạc chỉ là một trong hàng trăm địa phương trên địa bàn thành phố đã hoàn thành DĐĐT trong năm 2012. Sau khi UBND thành phố có kế hoạch và Sở NN&PTNT có hướng dẫn về "Quy trình thực hiện công tác DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội", các huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch và ban hành nghị quyết về công tác DĐĐT, đồng thời giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể để các xã căn cứ thực hiện. Nhiều địa phương đã xây dựng phương án DĐĐT, đồng thời rà soát nhân khẩu, hộ khẩu, diện tích đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64. Đến nay, đã có 177/224 xã (chiếm 79% số xã) có phương án DĐĐT, trong đó, 155/224 xã (chiếm 69,2%) đã được phê duyệt.

Hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương, mục tiêu của Hà Nội đề ra trong năm 2012 là thực hiện DĐĐT với diện tích 19.444,9ha thì đến hết năm, toàn thành phố đã DĐĐT được 30.002ha, đạt 153,3% kế hoạch, trong đó có một số huyện thực hiện tốt như:

Thanh Oai (đạt 280,54%); Phú Xuyên (đạt 250%); Mê Linh (đạt 145,7% kế hoạch). Kết quả này được đánh giá bằng cả chục năm trước cộng lại.

Hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt là kinh nghiệm rút ra sau khi triển khai đồng loạt công tác DĐĐT trên địa bàn thành phố. Tại xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Bí thư Đảng ủy Tạ Quang Đáp chia sẻ, triển khai DĐĐT ở Liên Mạc thời gian đầu vô cùng khó khăn. Nhiều cán bộ và người dân chưa đồng thuận, quyền lợi thì đòi hỏi, nhiệm vụ thì không làm. BCĐ chương trình DĐĐT của xã đã phân công cán bộ xuống từng thôn xóm vận động, tuyên truyền người dân. Kết quả, sau dồn đổi ruộng người dân rất phấn khởi và còn tham gia đóng góp thêm ngày công để làm giao thông, thủy lợi nội đồng…

Thừa nhận việc "rũ rối" ruộng đất ra để chia lại là việc khó, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân liệt kê rất nhiều việc cán bộ cơ sở phải thực hiện từ xây dựng phương án, kế hoạch triển khai, tổ chức tuyên truyền, họp ở nhiều cấp, nhiều nội dung, đo đạc, lên bản đồ, gắp thăm, chia đất, cấp hồ sơ giấy tờ… nên khi mới triển khai, đa số các cán bộ cơ sở đều ngại, không muốn làm. Cũng bởi vậy nên một thời gian dài, việc DĐĐT rất ì ạch, gần như "dậm chân tại chỗ". Nhận thức được tầm quan trọng của công tác DĐĐT là tiền đề để triển khai các nội dung tiếp theo trong xây dựng NTM nên BCĐ Chương trình 02 thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt. Công tác tuyên truyền, vận động, học tập về DĐĐT đã được tổ chức dưới nhiều hình thức. Đặc biệt, cơ quan thường trực của BCĐ thành phố đã phối hợp với các huyện, xã tổ chức cho cán bộ chủ chốt đi tham quan, học tập kinh nghiệm triển khai công tác DĐĐT ở các địa phương đã làm tốt để rút kinh nghiệm triển khai trên địa phương mình. Bên cạnh đó, thành phố còn ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, xây dựng giao thông nông thôn, trong đó có công tác DĐĐT như hỗ trợ chi phí đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT, xây dựng bản đồ, quy hoạch đồng ruộng, giao thông... nên đã thúc đẩy quá trình triển khai thực hiện trên toàn thành phố. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt, trong thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục bố trí nguồn vốn khuyến khích các xã thực hiện DĐĐT xong trong năm 2013 với diện tích DĐĐT đạt 34.039,6ha.

Nguyễn Mai