Chưa được quan tâm thích đáng
Xã hội - Ngày đăng : 06:28, 06/02/2013
Kết quả điều tra khảo sát tình hình chăn nuôi năm 2012 trên địa bàn thành phố cho thấy, Hà Nội vẫn duy trì đàn gia súc, gia cầm lớn nhất nước. Hiện giá trị ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng 47,5% trong cơ cấu nông nghiệp đã đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân. Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, đàn gia súc, gia cầm của thành phố có tăng về quy mô và số lượng, nhưng tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm khá cao, khoảng 63,6%. Do còn nặng tính tự phát nên việc quản lý và xử lý chất thải vật nuôi đang gặp nhiều khó khăn. Thông thường, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ủ một phần chất thải vật nuôi làm phân bón cho cây trồng hoặc dùng để nuôi cá, còn lại 85% xả trực tiếp ra kênh mương, ao, hồ, cống rãnh thoát nước làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của nhân dân và phát sinh dịch bệnh.
Giải pháp phù hợp để xử lý môi trường chăn nuôi là ứng dụng công nghệ khí sinh học bằng cách xây dựng và lắp đặt hệ thống biogas. Công nghệ này vừa hiệu quả, dễ thực hiện, chi phí thấp. Chỉ cần diện tích từ 10m2 đến 20m2 tùy theo quy mô chăn nuôi của từng hộ dân là có thể lắp đặt hệ thống hầm khí xử lý chất thải vật nuôi phục vụ cho việc đun nấu và chạy máy phát điện. Tuy nhiên, do thiếu sự quan tâm từ nhiều phía, kể cả hộ chăn nuôi nên chưa tận dụng được nguồn khí sinh học này. Đến nay, các địa phương mới xây dựng được gần 40.900 hầm khí xử lý chất thải bằng bể biogas, chiếm 12,5% số hộ chăn nuôi. Số lượng công trình được hỗ trợ cũng không nhiều với khoảng 12.000 hầm khí và mức hỗ trợ kinh phí rất thấp. Cụ thể có 10.762 công trình được hỗ trợ 1-20%; 1.100 công trình được hỗ trợ 21-40%; 185 công trình được hỗ trợ 41-60%. Thực tế khảo sát cho thấy, có tới 39.653 công trình hoạt động hiệu quả, chỉ khoảng 0,5% bể khí biogas không hoạt động do chủ hộ không duy trì chăn nuôi nên không còn nguồn chất thải cho bể hoạt động.
Theo ông Đức, do thiếu vốn nên dù tiềm năng phát triển hầm khí xử lý chất thải trong chăn nuôi lớn nhưng số lượng hầm biogas vẫn quá thấp. Nhất là trong bối cảnh người chăn nuôi đang gặp khó khăn như hiện nay, việc lắp đặt hệ thống khí sinh học sẽ khó khả thi. Trong khi đó, cơ chế, chính sách của thành phố chỉ hỗ trợ cho chăn nuôi xa khu dân cư. Ngoài ra, hiện nay công nghệ xây dựng hệ thống khí sinh học chưa được phổ biến nên nhiều hộ dân chưa có điều kiện vẫn không biết cách thức tiếp cận.
Bên cạnh nhức nhối trên, ý thức chấp hành pháp luật về công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y của người hoạt động buôn bán giết mổ gia súc, gia cầm còn hạn chế, tùy tiện. Thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay thành phố có 5.858 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trong khu dân cư và 52 cơ sở ngoài khu dân cư. Trong đó chỉ có 13 cơ sở giết mổ tập trung, chiếm tỷ lệ 0,2%, còn lại 5.897 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chiếm 99,8%. Điều đáng nói là còn 2.399 cơ sở và 1.481 cơ sở chưa quan tâm đến môi trường.
Từ khảo sát thực tế tình hình xử lý môi trường trong chăn nuôi và hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các hộ chăn nuôi về tác dụng của việc lắp đặt, xây dựng công trình hầm khí biogas xử lý môi trường chăn nuôi. Cùng với đó, thành phố chỉ đạo quy hoạch phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại xa khu dân cư, thực hành chăn nuôi theo quy trình VietGahp, gắn chăn nuôi với bảo vệ sinh thái; có chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai, thuế và tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm những trường hợp gây ô nhiễm môi trường. Cũng liên quan đến vấn đề này, Chính phủ cần sớm xem xét điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn bởi mức hỗ trợ quy định tại Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 4-6-2010 chưa đủ hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm.