Các vấn đề về MTTQ Việt Nam, tổ chức Công đoàn và Hội đồng Hiến pháp
Chính trị - Ngày đăng : 06:52, 05/02/2013
Nhưng, trên thực tế việc thể chế hóa một số mặt hoạt động của mặt trận chưa sát với vị trí của MTTQ Việt Nam. Chẳng hạn, về giám sát đã có 3 luật đề cập. Các hình thức giám sát được luật định là: Động viên nhân dân thực hiện quyền giám sát, tham gia giám sát cùng chính quyền, tổng hợp ý kiến cử tri. Như thế, những hoạt động ấy mới chỉ là những hiện tượng “ngoài cuộc”, chưa phải với tư cách chủ thể ủy thác quyền lực, chủ thể có vị trí “là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” như Hiến pháp đã quy định.
Phản biện xã hội là chủ trương lớn của Đảng được thông qua tại Đại hội X của Đảng: “Nhà nước ban hành và bổ sung pháp luật để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội” và được cương lĩnh hóa, chiến lược hóa tại Đại hội XI. Việc đưa phạm trù phản biện xã hội vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là đúng và cần thiết. Tuy vậy, trình bày như trong Dự thảo thì chưa thể hiện được ý nghĩa quan trọng của hoạt động này, đồng thời, chưa phản ánh được tầm tư tưởng chủ trương của Đảng về phản biện xã hội.
Để xứng tầm với vị trí của MTTQ Việt Nam, vấn đề giám sát và phản biện xã hội cần phải được Hiến pháp quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn, trong điều kiện hệ thống chính trị Việt Nam do một tổ chức chính trị duy nhất là Đảng ta lãnh đạo. Bên cạnh đó, ngoài “phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc”, cần bổ sung thêm “đoàn kết quốc tế” (bài học lịch sử của Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam còn nguyên giá trị). Việc tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân chỉ có thể có được trên nền thực hành dân chủ. Khoản 3 của điều 9 chưa phản ánh đúng vị trí, vai trò của MTTQ, dễ tạo ra cơ chế xin - cho.
Vì tất cả những lẽ trên, chúng tôi kiến nghị trình bày điều 9 như sau:
“1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, tăng cường thực hành dân chủ để tạo sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, bảo vệ “quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân”, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, thực hiện giám sát độc lập và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nhằm tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân. Vai trò giám sát và phản biện xã hội được bảo đảm bằng pháp luật và do luật định.
“Nhà nước có trách nhiệm phối hợp, thống nhất các điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên khác hoạt động”.
(Những cụm từ viết nghiêng, đậm là những ý tưởng bổ sung).
Về tổ chức Công đoàn Việt Nam, Điều 10 Dự thảo sửa đổi đề cập “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động”. Như thế, còn giai cấp nông dân tuy cũng là giai cấp lao động nhưng không thuộc tổ chức công đoàn, nhiều tầng lớp xã hội cũng nằm ngoài tổ chức công đoàn. Điều đó cho thấy, công đoàn không phải là tổ chức đại diện cho các giai cấp, các giai tầng, các tầng lớp xã hội. Vị trí đó chỉ có ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nếu để điều này trong Hiến pháp thì chưa đáp ứng tinh thần “Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân…; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” (Lời nói đầu Dự thảo) và “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (điều 2). Hiến pháp là đạo luật cơ bản của quốc gia, của dân tộc ở thời kỳ đương đại, là cốt lõi để xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nên không phải là chỗ nhấn mạnh vai trò của một giai cấp nào.
Về cơ bản, tổ chức công đoàn có vị trí, vai trò như các tổ chức chính trị - xã hội khác, một tổ chức thành viên bình đẳng trong MTTQ Việt Nam. Còn vấn đề “tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra…” là vai trò riêng có của tổ chức công đoàn nên quy định cụ thể trong Luật Công đoàn.
Điều 120 của Dự thảo quy định về Hội đồng Hiến pháp. Đây là thiết chế mới, lần đầu tiên xuất hiện trong Hiến pháp nước ta với ý nghĩa là cơ quan kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm sự đúng đắn và thượng tôn Hiến pháp - Văn bản có giá trị pháp luật cao nhất. Quy định này đã tiệm cận cơ chế phân công quyền lực và kiểm soát quyền lực trong nhà nước pháp quyền mà các nước trên thế giới đã có từ nhiều thế kỷ qua. Theo Điều 120 (Dự thảo Hiến pháp sửa đổi), Hội đồng Hiến Pháp do Quốc hội thành lập và Khoản 3 của điều này quy định “Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Hiến pháp… do luật định”. Hy vọng rằng, tại văn bản luật định này, sẽ xác định cụ thể những nội dung trên theo hướng bảo đảm để Hội đồng Hiến pháp có cơ cấu gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả.
Tuy nhiên, Điều 120 (Dự thảo Hiến pháp sửa đổi) chỉ quy định thẩm quyền “kiến nghị” của Hội đồng Hiến pháp chứ không có thẩm quyền “phán quyết” đối với các luật, văn bản pháp quy và quyết định không phù hợp với Hiến pháp của các cơ quan nhà nước. Nếu chỉ dừng ở kiểm tra rồi kiến nghị thì thực chất, đây chỉ là cơ quan tư vấn của Quốc hội, mà vai trò tư vấn thì Hội đồng Hiến pháp chưa phải là thiết chế kiểm soát quyền lực, không có khả năng bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp. Từ cách suy nghĩ ấy, chúng tôi kiến nghị gọi tên Hội đồng này là Hội đồng bảo hiến có thẩm quyền phán quyết đối với các luật, văn bản và quyết định không phù hợp với Hiến pháp của tất cả các cơ quan nhà nước. Từ cái nghĩa bảo vệ Hiến pháp sẽ nhận diện rõ những nội hàm của trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp chính xác hơn.