Để hiệu quả nhất khi đi khám bác sĩ

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:23, 04/02/2013

Trước cuộc hẹn cần chuẩn bị các câu hỏi cần thiết, chuẩn bị các hồ sơ bệnh án. Tại cuộc hẹn, cần mạnh dạn trao đổi với bác sĩ về phương pháp điều trị, về những vấn đề đang gặp phải.

Một cuộc thăm khám bình thường chiếm từ vài đến vài chục phút. Do đó, bác sĩ có rất ít thời gian để kiểm tra, chẩn đoán, đưa ra kế hoạch điều trị. Để tránh lãng phí quỹ thời gian quý báu, cần lưu ý những công việc cần làm trước, trong và sau cuộc hẹn.

Trước cuộc hẹn

Xác định triệu chứng hoặc lí do đặt cuộc hẹn. Trước khi đến gặp bác sĩ, cần tự kiểm lại các triệu chứng và đặt chúng theo một trình tự thời gian. Việc viết chúng ra giấy có thể giúp bạn có những mô tả chi tiết hơn về bệnh lí. Chuẩn bị các câu hỏi như triệu chứng của bạn là gì? Triệu chứng bắt đầu khi nào? Chúng xuất hiện thường xuyên không? Các liệu pháp điều trị bạn đã và đang dùng?

Cần chuẩn bị các giấy tờ, hồ sơ bệnh án, các câu hỏi trước cuộc hẹn với bác sĩ. Ảnh:Lê Phương


Tập hợp các hồ sơ bệnh án liên quan nếu bạn thay đổi bác sĩ chăm sóc sức khỏe. Liên hệ người chăm sóc sức khỏe cho bạn trước đây để chuyển trực tiếp những bản copy hồ sơ điều trị, phim chụp X-quang đến trung tâm mới.

Chuẩn bị một danh sách thuốc bạn đang dùng và chú ý liều lượng của chúng. Ghi lại các phản ứng xấu hay dị ứng với thuốc mà bạn mắc phải, kèm theo đó cả thuốc theo toa lẫn thuốc tự mua cũng như các loại thảo mộc. Để đảm bảo tính chính xác, nên mang theo cả lọ thuốc.

Nghĩ đến bảo hiểm y tế và số tiền bạn phải trả sau khi trừ phần thanh toán của bảo hiểm y tế.

Tại cuộc hẹn

Đi đến ngay điểm chính. Đưa ra triệu chứng một cách khoa học cùng các tiền sử bệnh án có liên quan, các phim chụp X-quang hay các kết quả xét nghiệm mà bạn đã từng thực hiện.

Hỏi bác sĩ về những phương án điều trị mà bạn có thể lựa chọn bao gồm cả thuốc và quá trình điều trị mà bạn từng nghe nhắc đến để chọn phương án thích hợp cho bạn.Trình bày về các dị ứng thuốc nếu bạn đang gặp phải.

Mạnh dạn đặt câu hỏi. Người chăm sóc sức khỏe phải giải thích cặn kẽ các vấn đề sức khỏe bạn đang gặp cũng như cả mặt lợi và hại của các kiểm tra hay phương án điều trị một cách dễ hiểu. Phải đảm bảo rằng bạn hiểu tình trạng bệnh và các phương án điều trị mà bạn chọn trước khi rời khỏi bệnh viện. Đừng nhút nhát, phải hỏi cho đến khi bạn hoàn toàn hiểu vấn đề. Nhớ rằng sức khỏe của bạn, có thể là cả mạng sống của bạn dựa vào những câu hỏi này.

Sau cuộc hẹn

Tuân theo sự chỉ dẫn của người tư vấn sức khỏe, nếu bạn cảm thấy lẫn lộn về những việc bạn phải làm, gọi ngay đến văn phòng bác sĩ và hỏi cho thông suốt.

Khi nhận toa thuốc, hỏi dược sĩ để biết thêm chi tiết: tại sao phải dùng loại thuốc này, dùng khi nào, liều lượng bao nhiêu, uống bằng cách nào, đưa vào miệng, ăn kèm với thực phẩm, uống trước hay sau khi ăn…

Lập tức báo với chuyên gia chăm sóc sức khỏe về bất kì tác dụng phụ nào đối với thuốc nếu tình trạng không tốt lên hay thậm chí xấu đi.

Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn với liều lượng vừa đủ. Quá nhiều có thể gây nguy hiểm, trong khi quá ít làm chậm quá trình hồi phục.

Cuối cùng, thay đổi thói quen sống nếu bác sĩ đề nghị, như bỏ thuốc lá, cải thiện chế độ ăn uống, tập thể dục thường xuyên. Điều này giúp tăng cường hệ miễn dịch và khả năng lành bệnh của bạn.

Theo VNE