Người Việt tại Pháp rộn ràng chuẩn bị đón xuân

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 06:50, 04/02/2013

(HNM) - Hòa trong niềm vui chung chào đón các ngày lễ lớn trọng đại của dân tộc, những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ này, cộng đồng hơn 300.000 người Việt Nam tại Pháp cũng náo nức chuẩn bị cho tết cổ truyền.

Trong suốt 2 ngày khai trương chợ tết (26 và 27-1), trung tâm Thanh Bình Jeunen ở giáp cửa ô Choisy, phía nam Paris luôn đông kín khách đến mua hàng. Được thành lập năm 1968, đây là một trong những khu chợ đầu tiên bán hàng Việt Nam tại Pháp. Thanh Bình Jeunen nổi tiếng không chỉ vì rộng 3.700m2 và có hơn 80% diện tích bày bán hàng Việt, mà còn nổi tiếng vì năm nào nơi đây cũng có hội chợ tết kỳ công, có khi mời cả ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi Việt Nam sang biểu diễn. Theo ông Ngô Minh Đường - chủ của khu chợ này, gia đình ông muốn giữ không khí tết cho người Việt thông qua việc tổ chức hội chợ đều đặn. Bà con vừa tranh thủ sắm hàng tết, vừa có thể nghe các giai điệu quê hương do các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn. 

Một gia đình người Việt tại Pháp gói bánh chưng chuẩn bị đón Xuân Quý Tỵ.


Giống như mọi năm, hàng tết tại chợ Thanh Bình năm nay rất đa dạng, từ gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh, măng khô, bì bóng đến các loại mứt tết đều đủ cả. Riêng lá dong, để bảo đảm chất lượng khi đến tay người tiêu dùng, trung tâm Thanh Bình nhập từ Việt Nam vận chuyển qua Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam chỉ trước khi chợ tết mở vài ngày. Những chiếc lá dong to bản xanh mướt, óng ả được lựa chọn kỹ, đóng gói cẩn thận qua hành trình gần chục nghìn cây số bày bán tại chợ thật đáng quý.

Theo chị Phạm Quỳnh Trang sống tại Paris, truyền thống gói bánh chưng ngày tết vẫn được cộng đồng người Việt nơi đây nâng niu, trân trọng giới thiệu với bạn bè Pháp và quốc tế với niềm tự hào. Những ngày áp tết, không ít gia đình đi chợ mua lá dong, gạo nếp, thịt lợn... tự tay gói bánh, làm giò. Dù bận rộn, nhưng ai nấy đều cố gắng bày trên bàn thờ tổ tiên cặp bánh chưng xanh, hộp mứt tết để vơi nỗi nhớ nhà. Ngay cả lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời 23 tháng Chạp và cúng đêm giao thừa, sáng mùng 1 cũng được làm một cách cẩn thận. Nhiều gia đình còn xin nghỉ làm để đón tết với mục đích cho con cháu hiểu thêm về truyền thống và phong tục Việt Nam. Năm nào cũng vậy, đêm 30 và sáng mùng 1 tết, chị Trang và gia đình cũng đi lễ ở chùa Trúc Lâm Thiền Viện, cách Paris khoảng 20km. Chị Trang cho biết, tại Paris và ở những vùng khác của nước Pháp có rất nhiều chùa. Cũng như ở Việt Nam, đi lễ chùa ở Pháp đã trở thành một nét tâm linh của người Việt Nam sinh sống tại đây để gìn giữ các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc.

Ngoài Paris, không khí chuẩn bị tết của cộng đồng người Việt ở nhiều khu vực khác cũng rất rộn ràng, đặc biệt là trong giới sinh viên đang du học tại Pháp. Nhìn chung, hoạt động đón tết tại đây được tổ chức theo hai hội chính: Hội Sinh viên Việt Nam tại mỗi thành phố và Hội Việt kiều - thường là những người con Việt đã sống nhiều năm hoặc sinh ra lớn lên ở Pháp. Các hoạt động tết của cả hai hội đều được tổ chức theo quy mô lớn hơn những nhóm sinh viên nhỏ riêng biệt, có múa lân, hát dân ca và ẩm thực Việt.

Theo kế hoạch, ngày 16-2, Hội Người Việt Nam tại Pháp (UGVF) với sự hỗ trợ của Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp, Hội Thanh niên gốc Việt tại Pháp... sẽ tổ chức chương trình đón Tết cổ truyền Quý Tỵ dành cho bà con kiều bào tại trụ sở của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris. Đến với chương trình, bà con sẽ được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc, tham quan các gian hàng thủ công mỹ nghệ, thưởng thức ẩm thực ba miền và được tham gia vào các trò chơi dân gian, hái lộc đầu xuân... Đây là chương trình nhằm duy trì một trong những hoạt động văn hóa quan trọng nhất của người Việt Nam ở xứ người, tạo cầu nối, sự giao lưu, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng bà con người Việt tại đây.

Quỳnh Chi