Phát triển hạ tầng phục vụ hội chợ, triển lãm: Có bột mới gột lên hồ
Kinh tế - Ngày đăng : 06:37, 04/02/2013
Hằng năm, cả nước có khoảng 1.000 HCTL với quy mô khác nhau từ cấp quốc gia đến địa phương, ngành hàng. Tuy nhiên, quy mô và chất lượng hệ thống hạ tầng phục vụ HCTL chưa đáp ứng được yêu cầu về quảng bá, giới thiệu sản phẩm hoặc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của DN. Đó là thực tế khiến nhiều nhà tổ chức HCTL trong nước khó tìm được sự đồng cảm của khách hàng.
Trung tâm Hội chợ triển lãm Giảng Võ không đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện lớn. Ảnh: Như Ý |
Hiện nước ta rất thiếu địa điểm tổ chức HCTL đủ tầm vóc khu vực, chứ chưa nói là so với quốc tế. Hà Nội mới có trung tâm HCTL Giảng Võ, nhưng đã lạc hậu về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhất là hạn chế về diện tích nên không thể tổ chức những sự kiện lớn... Ở mức độ khu vực, vùng miền, tình hình cũng không sáng sủa hơn, bởi hầu hết trung tâm HCTL tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hay Cần Thơ đều đã quá tải, thiếu đồng bộ. Điều này lý giải vì sao có một số sự kiện phải tổ chức tại các sân vận động. Bên cạnh đó, trình độ tổ chức sự kiện của các đơn vị trong nước còn thiếu tính chuyên nghiệp và chủ yếu nặng về việc cung ứng dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ vận chuyển, bố trí mặt bằng cho các DN tham gia. Thực tế cho thấy, nhà tổ chức "nội" đang thiếu một đội ngũ lao động năng động, có bài bản theo trình độ và thông lệ quốc tế để đáp ứng nhu cầu rất phong phú của khách hàng. Bên cạnh đó là những nhu cầu gắn liền với thời gian lưu trú của khách, gồm cung cấp phiên dịch, dịch vụ ăn ở đi lại, vé máy bay, tư vấn; tìm đối tác hoặc đại lý tại Việt Nam cho khách hàng trong và ngoài nước…
Tại buổi tọa đàm về hạ tầng ngành dịch vụ tổ chức HCTL vừa diễn ra mới đây, các chuyên gia cho rằng, nếu cơ sở vật chất và năng lực của nhà tổ chức HCTL "nội" cứ như trên, họ sẽ luôn thua ngay cả trên "sân nhà". Cụ thể là gần đây, có một số sự kiện HCTL do DN nước ngoài tổ chức, nhưng họ tự làm chính, do đó nhà tổ chức "nội" hầu như không có cơ hội tham gia.
Để cải thiện tình hình trên, trước hết, phải tạo ra sự bứt phá về hạ tầng, hoàn thiện hệ thống địa điểm tổ chức HCTL theo hướng chuyên nghiệp, đúng tầm và yêu cầu đòi hỏi trong bối cảnh hội nhập. Từ đó, Bộ Công thương đã phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu phương án và đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng trung tâm HCTL quốc gia mới, theo hướng đa chức năng, với trang thiết bị hiện đại để đủ năng lực và mặt bằng cho trên 1.000 gian hàng trong nhà trở lên, phối hợp hài hòa với khu triển lãm ngoài trời. Dự kiến, công trình này sẽ đặt tại khu vực Mễ Trì, với tổng diện tích hơn 100ha. Ngay cạnh trung tâm HCTL sẽ hoàn thiện một số công trình phục vụ công cộng như khách sạn, nhà hàng, chi nhánh ngân hàng, bưu điện, viễn thông. Đặc biệt, vị trí xây dựng trung tâm nằm ngay cạnh đầu mối giao thông lớn để các đối tượng tham gia dễ dàng kết nối với trung tâm Hà Nội bằng hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt trên cao, xe buýt... Các địa phương, tùy theo tình hình thực tế mà lập phương án, từ đó huy động vốn xây dựng những trung tâm HCTL phù hợp với yêu cầu.
Bộ Công thương xác định, việc phát triển hệ thống trung tâm HCTL là mục tiêu quan trọng, được ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Đây là yêu cầu khách quan của nền kinh tế, cũng là đòi hỏi chính đáng của cộng đồng DN trước nhu cầu giao thương, tiêu thụ hàng hóa với khối lượng và giá trị ngày càng cao.