Thay đổi từ tư duy ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường

Xã hội - Ngày đăng : 06:21, 04/02/2013

(HNM) - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tuy có những chuyển biến tích cực, nhưng công tác ứng phó với BĐKH, bảo vệ tài nguyên, môi trường vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém, gây ra những tổn thất không nhỏ.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tuy có những chuyển biến tích cực, nhưng công tác ứng phó với BĐKH, bảo vệ tài nguyên, môi trường vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém, gây ra những tổn thất không nhỏ.

Ở nước ta, chỉ tính 15 năm trở lại đây, thiên tai đã làm chết và mất tích hơn 10.711 người, thiệt hại về tài sản ước tính bằng khoảng 1,5% GDP/năm. Đặc biệt, tại hai vựa lúa là Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp đáng kể do nước biển dâng; sâu bệnh hại trên cây trồng và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm mấy năm gần đây gia tăng. Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng kinh tế còn thiếu bền vững, ý thức của người dân chưa cao, thói quen tiêu dùng lãng phí, thiếu thân thiện với môi trường làm cho đa dạng sinh học suy giảm, chất lượng môi trường sống chậm cải thiện… Nguyên nhân của tình trạng trên trước hết là do nhận thức, ý thức trách nhiệm về BĐKH, bảo vệ tài nguyên, môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Một số chủ trương, giải pháp liên quan đến BĐKH còn thiếu đồng bộ, thậm chí chồng chéo, chỉ chú trọng đến phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai mà chưa đề cập đến việc chủ động ứng phó...

Hoạt động khai thác khoáng sản hiện còn nhiều bất cập. Ảnh: Yến Ngọc


Về công tác bảo vệ tài nguyên còn thiếu cơ chế, chính sách bảo đảm tính nhất quán các nguyên tắc coi tài nguyên là nguồn vốn, tài sản quốc gia; chưa có cơ chế hữu hiệu bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, chế tài xử phạt cũng chưa đủ mạnh để răn đe; tổ chức bộ máy quản lý tài nguyên nước vừa thiếu vừa chưa đồng bộ. Tương tự, về môi trường, nhận thức cũng chưa thật sự đầy đủ, trong chỉ đạo, điều hành còn nặng tư tưởng "Ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường"...

Đề án do Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra lấy ý kiến đã xác định, đến năm 2020, phấn đấu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực từ 8-10% so với năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP từ 1-1,5% mỗi năm, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10-20% so với phương án phát triển thông thường; bảo vệ 3,8 triệu ha đất trồng lúa; khai hoang, phục hóa hơn 1,6 triệu ha đất chưa sử dụng; nâng cao hiệu quả trong khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản; 70% lưu vực sông lớn, quan trọng được quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến; giảm tỷ lệ thất thoát, lãng phí nước từ 5-7%...

Những mục tiêu trên, theo các chuyên gia là tương đối đầy đủ, phù hợp với tình hình hiện nay. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng, đề án còn đặt nặng việc ứng phó mà chưa tập trung nhiều đến phải thích ứng với BĐKH; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về vấn đề BĐKH cần được tăng cường hơn nữa thông qua tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức chủ động ứng phó với BĐKH và ý thức tự giác bảo vệ tài nguyên, môi trường trong nhân dân...

Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhận xét, đề án còn khó hiểu cả về nội dung lẫn cách tiếp cận, do đó tài liệu cần phải cụ thể hơn. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng, chỉ có người trong ngành mới rõ nội dung, còn cán bộ ngoài ngành hoặc người dân ở nông thôn thì không hiểu gì. Ông Ngô Thuần Khiết, Phó trưởng ban thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam nói rõ hơn: "Bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với BĐKH là sự nghiệp toàn dân, song mọi quy định, yêu cầu thực hiện đều đổ về nhà nước, chưa thấy bất kỳ một văn bản nào chỉ rõ khu vực ngoài nhà nước tham gia vào lĩnh vực này như thế nào. Do vậy, nếu như không thay đổi tư duy thì mãi mãi sự nghiệp bảo vệ môi trường chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu hô hào".

Thúy Nga