Giám sát thực hiện nếp sống văn minh: Để có hiệu ứng sâu rộng (tiếp theo)

Văn hóa - Ngày đăng : 06:35, 03/02/2013

(HNM) - Công tác giám sát cho thấy, một số cấp ủy thiếu chủ động, chưa sâu sát, thậm chí còn xem nhẹ. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác, chưa gương mẫu trong tổ chức việc cưới, việc tang, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân. Những vấn đề này cần được chấn chỉnh kịp thời.

Một đám cưới được tổ chức lịch sự, tiết kiệm tại quận Hà Đông. Ảnh: Tào Ngọc


Nhiều lý do để… chần chừ

Ngoài số đông cán bộ, đảng viên tự giác nắm bắt và thực hiện đúng tinh thần của chỉ thị, có không ít trường hợp còn chần chừ, nghe ngóng. Có luồng ý kiến cho rằng, chỉ lãnh đạo, quản lý đương chức mới phải chấp hành chỉ thị, còn với cán bộ, đảng viên đã nghỉ hưu thì không nhất thiết phải tuân thủ. Bên cạnh đó, một số nơi như Huyện ủy Hoài Đức sau 50 ngày kể từ khi Thành ủy có Chỉ thị số 11 mới ban hành kế hoạch thực hiện đến cơ sở. Công tác chỉ đạo kiểm tra, giao ban, rút kinh nghiệm chưa đều đặn; sự phối hợp giữa chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, phòng, ban của quận, huyện trong tuyên truyền, triển khai thiếu chủ động khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên hiểu không đúng tinh thần của chỉ thị…

Một điểm chung dễ nhận thấy là dù tự nhận đã đạt kết quả bước đầu, tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức sang hành động song các đơn vị đều "kêu" khó trong thực hiện. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thị Liên cho rằng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân đang chạy theo lối sống thực dụng, nhiều hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại. Thậm chí, có trường hợp "né" quy định không tổ chức quá 40 mâm, nhiều gia đình trong quận đã chọn làm tiệc cưới tại nơi khác.

Hầu hết báo cáo tại các đơn vị đoàn đến giám sát cũng đánh giá: "Một số cán bộ, công chức, đảng viên chưa thực sự gương mẫu trong việc cưới, việc tang". Tuy nhiên, khi Đoàn giám sát đề nghị chỉ rõ tên, địa chỉ, số đó chiếm bao nhiêu phần trăm thì không ít đơn vị lại xin "khất". Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Thị Tuyến phản ánh, gần 20% xã và một số cán bộ, đảng viên chưa thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11; 20% đám cưới trên địa bàn huyện chưa thực hiện theo nếp sống văn minh. Lãnh đạo huyện Hoài Đức thẳng thắn nêu, cá biệt vẫn có những đám cưới linh đình. Chính sự thiếu gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã ảnh hưởng xấu, gây khó khăn cho việc vận động quần chúng nhân dân. Tại Đông Anh, trả lời câu hỏi của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh - Trên địa bàn có trường hợp nào vì chưa có con trai mà cưới thêm vợ không? - Lãnh đạo huyện cho biết là… "có nhưng chắc chắn không có đảng viên vi phạm". Điều đó cho thấy, nội dung các nghị quyết, chỉ thị đã ban hành chưa thực sự lan tỏa trong cộng đồng.

Ở một khía cạnh khác, Chủ tịch UBND phường Khương Thượng (quận Đống Đa) Nguyễn Đình Tiên cho biết, hầu hết vụ vi phạm việc cưới, việc tang văn minh trên địa bàn đều tập trung vào một số hộ gia đình có tiềm lực kinh tế hay các chủ doanh nghiệp tư nhân. Ông Tiên thừa nhận, đây là nhóm đối tượng mà phường thiếu sát sao trong công tác tuyên truyền, vận động.

Trong việc tang, hiện tượng mê tín, xem giờ, rắc vàng mã dọc đường, việc đưa tang còn gây cản trở giao thông chưa được xóa bỏ hoàn toàn. Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Trần Thị Thanh Nhàn cho biết, trước đây một số phường trên địa bàn tổ chức rất tốt việc tang. Gia chủ tuyệt đối không nhận phong bì, chỉ nhận cau, hoa của người đến viếng. Đáng tiếc, hiện nay xu hướng viếng bằng tiền đang trở lại, cộng với việc viếng vòng hoa tràn lan (có đám hơn 100 vòng hoa) không chỉ gây lãng phí mà còn làm nảy sinh tâm lý so bì.

Cần sớm chấn chỉnh

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trong việc cưới, việc tang. Về khách quan, xu hướng "phú quý sinh lễ nghĩa" trong sinh hoạt hằng ngày có chiều hướng phát triển. Nguyên nhân chủ quan bắt nguồn từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp chưa sâu sát, thiếu hiệu quả. Qua giám sát cho thấy, nhận thức của một số đảng viên, thậm chí là cấp ủy viên về mục đích, yêu cầu của chỉ thị còn sai lệch. Điều này phản ánh một số cơ sở Đảng chưa nhận thức đầy đủ chủ trương của Thành ủy. Vì vậy, việc các cấp ủy cần làm ngay là thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng; cán bộ, đảng viên tự giác nêu gương rồi mới đến tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng.

Hiện tại, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội chưa thực sự trở thành một nội dung để đánh giá tiêu chuẩn cán bộ, công chức, đoàn viên, công đoàn viên. Qua giám sát cũng cho thấy, các cơ sở còn thiếu chủ động, thiếu sáng tạo khi triển khai chỉ thị. Chưa có địa phương nào xây dựng điển hình trong việc cưới để nhân rộng mà có tâm lý trông chờ thành phố ban hành để làm theo. Các cấp ủy chưa coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên cần tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành của đảng viên, tổ chức đảng cấp dưới nhằm kịp thời phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm. Biểu hiện rõ nhất là Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã ban hành hướng dẫn công tác kiểm tra, xử lý đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, không chấp hành chỉ thị nhưng nhiều cơ sở vẫn kiến nghị Thành ủy cần có chế tài xử lý. Điều đáng nói, còn tình trạng nể nang, buông lỏng quản lý với những đảng viên sinh hoạt hai chiều.

Những bất cập này cần sớm chấn chỉnh, khắc phục để chủ trương của Thành ủy lan tỏa sâu rộng trong đời sống, tạo chuyển biến thực sự trong việc cưới, việc tang, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn thành phố. 

Lê Hoàn - An Trân