Để có hiệu ứng sâu rộng

Đời sống - Ngày đăng : 07:14, 02/02/2013

(HNM) - Nhằm đánh giá ưu, khuyết điểm, tìm nguyên nhân yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo chỉ thị của trung ương và thành phố, trong tháng 1-2013, hai đoàn giám sát của Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh và Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến dẫn đầu đã làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương

Cưới tập thể, nét đẹp văn hóa của thế hệ trẻ Thủ đô. Ảnh: Nhật Phan



Cách làm sinh động

Điểm nổi bật là các địa phương đã khá chủ động cụ thể hóa Chỉ thị số 27-CT/TƯ ngày 12-1- 1998 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg ngày 28-3-1998 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội bằng các nghị quyết, kế hoạch để triển khai tới chi bộ, các đoàn thể và khu dân cư. Mặt khác, các cấp đã chú trọng phát động phong trào quần chúng, nêu cao vai trò làm chủ, ý thức tự giác của người dân, xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn về nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ) Nguyễn Tiến Hạnh cho biết: 13 thôn, xóm, tổ dân phố (trong đó 5 thôn, xóm được công nhận danh hiệu văn hóa) khi xây dựng quy ước văn hóa đều dành một chương quy định cụ thể những việc làm khi tổ chức việc cưới, việc tang. Nhờ đó, nhiều đám cưới đã giảm thủ tục rườm rà, kết hợp ăn hỏi và lễ cưới trong một ngày, giúp các gia đình tiết kiệm 4-5 triệu đồng/đám.

Được đánh giá là đơn vị đi đầu trong thực hiện cưới văn minh, ngay từ năm 2009, Quận ủy Hà Đông đã đưa ra những tiêu chí, quy định rõ ràng trong thực hiện. Cụ thể, cưới làm cỗ không quá 40 mâm (6 người/mâm), không mời khách dự tiệc cưới trong giờ làm việc, tổ chức tiệc cưới gói gọn ở một nơi trong một ngày. Quận cũng chọn thực hiện cùng lúc 4 biện pháp kết hợp tuyên truyền, vận động người dân tự giác thực hiện, có những chế tài xử lý vi phạm, nêu gương những gia đình thực hiện tốt cũng như nhắc nhở các gia đình làm sai trên hệ thống đài phát thanh. Kết quả, từ 60,8% đám cưới thực hiện theo nếp sống văn hóa năm 2009 đã tăng lên gần 85% đến thời điểm này.

Tại Hoàng Mai, một quận đang trong quá trình đô thị hóa, phong cách sinh hoạt, làm việc của người dân chưa quen với nếp sống đô thị nên Quận ủy, UBND quận đã chú trọng cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của TƯ và TP tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên để gương mẫu thực hiện. Quận đã ưu tiên dành quỹ đất ở vị trí trung tâm, triển khai đề án xây dựng nhà văn hóa ở các khu dân cư, vừa làm nơi sinh hoạt của cộng động vừa làm nơi tổ chức đám cưới. Trung bình mỗi phường trên địa bàn quận có 5-17 nhà văn hóa khang trang, rộng rãi, là địa điểm lý tưởng để tổ chức đám cưới. Trên thực tế, có phường như Đại Kim, gần 100% đám cưới đều tổ chức tại nhà văn hóa, hình thành phong cách cưới khá độc đáo.

Tương tự, việc tang tại các địa phương đến nay cơ bản bài trừ các hủ tục lăn đường, chém quan trừ tà, khóc thuê, ăn uống linh đình kéo dài… giảm chi phí cho tang chủ 3-5 triệu đồng. Các địa phương có điều kiện cơ bản hoàn thành quy hoạch nghĩa trang nhân dân, bảo đảm việc chôn cất hợp vệ sinh. Đáng nói, mô hình tang văn minh, thực hiện hỏa táng với ưu điểm bảo đảm vệ sinh môi trường, không tốn diện tích đất để chôn cất đang là sự lựa chọn của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân. Kết quả giám sát cho thấy, quận Đống Đa là địa phương có số ca hỏa táng, điện táng cao nhất hiện nay với 1.444 trường hợp năm 2012, đạt tỷ lệ 86,16%.

Tại xã Yên Sở (Hoài Đức), ngoài sự hỗ trợ của TP và huyện, xã trích ngân sách hỗ trợ mỗi ca hỏa táng một triệu đồng (tổng số kinh phí hỗ trợ của TP, huyện, xã là 7 triệu đồng/ca). Mặt khác, xã cải cách thủ tục khai tử nhanh gọn và chú trọng nêu gương cán bộ, đảng viên trong thực hiện mô hình này. Do đó, trong năm 2012, đã có 42/57 người mất được hỏa táng, trong đó 13 trường hợp là gia đình cán bộ, đảng viên. Phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) cũng có tới 73,6% số đám tang hỏa táng, tỷ lệ này của toàn quận là gần 56%. Số ca thực hiện hỏa táng trên địa bàn huyện Đông Anh hiện đã đạt gần 50%, trong đó có 6 thôn, làng đạt 100%.

Hiệu ứng lan tỏa

Theo phản ánh của các địa phương, Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 3-10-2012 của Thành ủy với những quy định mang tính định lượng về khách mời, hình thức tổ chức việc cưới theo hướng vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tại vùng nông thôn, nơi còn nhiều thủ tục rườm rà, việc hạn định số lượng khách mời chính là "cái cớ" để khắc phục tình trạng mời tràn lan, "trả nợ miệng". Còn tại khu vực nội thành, những quy định bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên đã góp phần ngăn ngừa biểu hiện xa hoa, lãng phí, lợi dụng việc cưới để trục lợi. Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Trần Thị Thanh Nhàn khẳng định, hơn 3 tháng thực hiện Chỉ thị số 11, tất cả cán bộ chủ chốt cấp quận, các phường và đoàn thể đã tuân thủ nghiêm những quy định. Nhiều cán bộ, đảng viên tổ chức đám cưới con chỉ mời 150-200 khách; có đồng chí cán bộ phường tổ chức cưới con bằng tiệc trà, tiết kiệm mà vẫn bảo đảm tươi vui, trang trọng. Số đám cưới tổ chức tại nhà văn hóa, tổ dân phố ngày càng nhiều cũng có tác dụng gắn bó tình nghĩa bà con khối phố.

Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, bước đầu có trên 20% xã, thị trấn, 70% cán bộ, đảng viên và một bộ phận nhân dân hưởng ứng thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11. Nhiều địa phương của huyện Chương Mỹ đã tổ chức cho các cặp vợ chồng sắp cưới dâng hương tại nghĩa trang liệt sỹ, trồng cây lưu niệm hoặc đóng góp vật liệu xây dựng đường giao thông, tạo nét đẹp truyền thống trong đời sống sinh hoạt ở khu dân cư.

Kết hợp tuyên truyền, vận động với xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, 4 năm đưa chương trình thực hiện nếp sống văn hóa vào cuộc sống, Hà Đông đã kỷ luật 20 đảng viên với các hình thức từ khiển trách, cảnh cáo đến buộc thôi việc. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Hà Đông Đỗ Thị Hữu cho biết, quy trình xử lý kỷ luật được làm nghiêm túc, đúng việc, đúng người nên có tác dụng làm gương trong cán bộ, đảng viên.
(Còn tiếp)

Lê Hoàn - An Trân