"Đẩy" khó khăn cho người bị thiệt hại

Đời sống - Ngày đăng : 07:02, 02/02/2013

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tính đến hết tháng 9-2012, trên địa bàn cả nước, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã giải quyết 122/165 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Con số này là quá ít ỏi so với thực tế Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) có hiệu lực đã gần ba năm.

Luật quy định, người bị thiệt hại chỉ có quyền yêu cầu bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Điều này có nghĩa, mặc dù thiệt hại đã xảy ra nhưng người bị thiệt hại không có quyền yêu cầu bồi thường ngay mà phải thực hiện các thủ tục cần thiết để có được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, muốn có được văn bản nói trên, người bị thiệt hại gặp rất nhiều khó khăn do hoạt động của cơ quan hành chính là một chuỗi liên hoàn, có sự tham gia của nhiều cơ quan, cán bộ. Phân định lỗi của cá nhân không đơn giản. Thêm nữa, quy trình trong nội bộ xác định cán bộ, công chức bị người thiệt hại khiếu nại cũng phải qua rất nhiều khâu như: Xác định hành vi vi phạm đó có diễn ra hay không, có gây tác hại trực tiếp tới người bị thiệt hại, rồi xác định mức thiệt hại thực tế, đánh giá mức độ của các hành vi sai trái để bồi thường cho đúng luật rồi mới tiến hành gặp gỡ các bên để thương lượng. Người bị thiệt hại chỉ biết chờ đợi. Trong khi đó, quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường là 2 năm kể từ ngày có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Còn theo quy định của Bộ luật Dân sự, thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại là 2 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bị xâm phạm. Những quy định trên đã khiến không ít yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại không thực hiện được do hết thời hiệu khởi kiện.

Luật TNBTCNN được ban hành nhằm xây dựng và hoàn thiện chế độ bảo hộ của Nhà nước đối với các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, trong đó có quyền được bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức nhà nước gây ra khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, với các quy định, thủ tục yêu cầu bồi thường phức tạp, dường như luật lại một lần nữa "đẩy" khó khăn cho những người đã từng bị cán bộ, công chức của Nhà nước gây thiệt hại.

An Trân