Hơn cả trách nhiệm
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:35, 02/02/2013
Ở đây, những câu chuyện nói trên đang được hiểu theo những cách khác nhau. Song tựu trung là vẫn chỉ dồn trách nhiệm vào cơ quan quản lý văn hóa, tức là Cục Nghệ thuật biểu diễn và đơn vị này cũng quả quyết sẽ "tạm ngừng" cấp phép, còn khi nào họ được cấp phép trở lại thì vẫn chưa có "kết luận" cụ thể.
Ngẫm ra thật là buồn. Mới đây, một loạt "ngôi sao" tên tuổi như Hoa hậu Thùy Dung, Trương Chi Trúc Diễm, Chung Thục Quyên, Hoàng Thùy, Thùy Trang, Trà My, Kim Cương, Như Thảo, Phạm Anh Thư, Diệu Huyền, nhà thiết kế Việt Hùng và ca sỹ Quang Dũng có mặt trong chương trình Paris By Night số 106 đã khiến không ít khán giả trong nước và các cơ quan quản lý văn hóa ngỡ ngàng vì họ ra nước ngoài biểu diễn mà không xin phép cơ quan quản lý văn hóa, vi phạm nghiêm trọng Nghị định 97/2012/NĐ-CP.
Chưa hết. Trong chương trình mới nhất của Asia (một chương trình ca nhạc khác cũng được phát hành định kỳ ở hải ngoại), nhiều nghệ sỹ đã có những phát ngôn thiếu chuẩn mực, bôi nhọ, nói xấu, kích động chống đối nhà nước Việt Nam. Trong số những ca sỹ "không giữ mồm giữ miệng" ấy có nhiều tên tuổi vừa được cấp phép biểu diễn tại Việt Nam như Thanh Tuyền, Tuấn Vũ, Gia Huy, Mạnh Đình, Quang Huy, Hồng Đào…
Thực tế, Đảng và Nhà nước ta vẫn khuyến khích, tạo cơ chế thông thoáng để các nghệ sỹ có cơ hội phục vụ công chúng. Nhưng tiếc là hiện nay, một số nghệ sỹ "không biết mình là ai" thường hành động theo cách riêng mà không cần biết, hay nói đúng là coi thường kỷ cương, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia, dân tộc. Với ca sỹ gốc Việt ở nước ngoài đã đáng trách, nhưng ngay cả những ca sỹ đang ở trong nước, được công chúng mến mộ nhưng cũng có những hành động thái quá, bất chấp pháp luật, thậm chí đi ngược lại lợi ích dân tộc, là điều không thể chấp nhận được.
Nhiều nghệ sỹ hải ngoại lúc xin phép về nước biểu diễn thì "ngon ngọt" hứa hẹn đủ điều, nhưng xong chương trình trở về hải ngoại là họ lập tức quên lời nói của chính mình để rồi lại phát ngôn những lời lẽ đi ngược với lợi ích dân tộc.
Những điều trớ trêu ấy có lẽ một phần cũng do chính sách pháp luật và cả cách ứng xử của cơ quan quản lý của ta chưa phù hợp, hay nói đúng hơn là còn quá "ưu ái". Ở Việt Nam có lẽ rất nhiều người đều biết đến chuyện có vài người đi máy bay chỉ vì "lỡ" miệng mà bị cấm bay vĩnh viễn, cũng có những vận động viên chuyên nghiệp trong làng thể thao vì mắc lỗi mà bị cấm thi đấu trọn đời. Tức là ở nhiều lĩnh vực, có khi chỉ vì sai sót nhưng cái giá phải trả sẽ vô cùng lớn. Ấy vậy nhưng ở lĩnh vực văn hóa, xem ra chuyện mắc lỗi hay thậm chí là coi thường kỷ cương phép nước là "chuyện vặt", thậm chí người ta còn cố tình tạo xì căng đan để nổi tiếng. Có ca sỹ từng lớn tiếng phê phán chính nơi chôn rau cắt rốn của mình, từng bị dư luận tẩy chay thế nhưng lại được dễ dàng cấp phép trở lại. Xét cho cùng, sự dễ dãi trong quản lý ấy cũng phần nào tiếp tay cho sai phạm (?).
Nên chăng, hãy cứ công bằng như lĩnh vực hàng không hay thể thao, vi phạm nghiêm trọng là xử phạt đến mức "tước quyền vĩnh viễn". Ở đây, chuyện không chỉ là những vi phạm nhỏ nhặt trong hoạt động nghề nghiệp, mà rộng hơn nó còn là ý thức hệ, là thái độ trách nhiệm của mỗi cá nhân với quốc gia, dân tộc. Với những nghệ sỹ đang là công dân Việt Nam phải có nghĩa vụ khi chấp hành pháp luật và đó cũng chính là quyền, là danh dự của chính họ. Với những ca sỹ đã mang quốc tịch nước ngoài khi làm việc hoặc phát ngôn có liên quan đến lợi ích của dân tộc, của đất nước Việt Nam càng cần phải biết tôn trọng.
Không thể chấp nhận được khi mưu cầu lợi ích kinh tế (biểu diễn tại Việt Nam) thì họ có lời lẽ ngon ngọt, thế nhưng sau khi đạt được mục đích thì lại ứng xử khó hiểu đến mức lật lọng. Những trường hợp như vậy cần thiết phải "cách ly" công chúng. Và chế tài không chỉ là từ cơ quan quản lý văn hóa, mà cần thiết có cả trách nhiệm của các cơ quan chức năng khác…