Sẽ xử lý nghiêm khắc các nghệ sỹ vi phạm quy định
Văn hóa - Ngày đăng : 08:15, 01/02/2013
Cục NTBD cho biết, năm mới sẽ siết chặt hoạt động biểu diễn, trong đó có cả những chương trình lên sóng Đài truyền hình Quốc gia (Ảnh: Táo Quân 2013) |
* Việc ngừng cấp phép biểu diễn đối với một số ca sĩ hải ngoại do tham gia nói xấu đất nước trong một DVD sản xuất ở hải ngoại, có phải là việc làm mạnh tay của cơ quan quản lý biểu diễn trong nước thưa ông?
- Trong những năm qua, cơ quan quản lý biểu diễn của Việt Nam đã tạo điều kiện rất nhiều cho các ca sĩ hải ngoại có cơ hội về nước biểu diễn, gần gũi hơn với khán giả nhà. Đây là chính sách hòa hợp dân tộc rất cởi mở của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, khi mà ca sĩ có những việc làm đi ngược với lợi ích dân tộc thì không phải chỉ ca sĩ hải ngoại mà những ca sĩ trong nước cũng sẽ bị xử lý để họ hiểu dù hoạt động nghệ thuật thì cũng phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
* Nhiều người cho rằng, chính việc “giơ cao đánh khẽ” của cơ quan quản lý văn hóa đã khiến cho các ca sĩ “nhờn thuốc”, điển hình như việc có ca sĩ đã từng bị cấm biểu diễn tại Việt Nam trong một khoảng thời gian nhưng sau đó lại có sự trở về hoành tráng, ồn ào, thậm chí còn nối tiếng hơn, ví dụ như trường hợp ca sĩ Bằng Kiều. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Trường hợp ca sĩ Bằng Kiều đã được chúng tôi thẩm định rất kỹ hồ sơ. Ca sĩ Bằng Kiều khi bày tỏ việc hối lỗi vì những việc làm trong quá khứ ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia. Khi về nước biểu diễn tại Việt Nam, Bằng Kiều cũng cam kết với an ninh văn hóa rằng sẽ tuân thủ mọi quy định trong hoạt động biểu diễn văn hóa trong nước. Tôi nhấn mạnh thêm rằng, chính sách của Đảng và Nhà nước ta luôn mở rộng vòng tay, tạo điều kiện cho những người Việt ở nước ngoài có điều kiện về Việt Nam sinh sống, làm việc và cống hiến. Nếu các ca sĩ có những hành động đi ngược với lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc thì họ sẽ bị công chúng tẩy chay thôi.
Ca sĩ Tuấn Vũ, Thanh Tuyền trong danh sách các ca sĩ hải ngoại bị dừng cấp phép biểu diễn tại Việt Nam |
* Đối với những ca sĩ hải ngoại bị cơ quan quản lý văn hóa “thổi còi” và ngừng cấp phép trong thời gian tới thì bao giờ họ sẽ lại được trở lại biểu diễn?
- Việc này vẫn chưa có kết luận cụ thể vì chúng tôi đang giao cho Sở VHTT&DL rà soát và xem xét mức độ vi phạm của các ca sĩ. Tôi chỉ có thể nói rằng, hiện nay những ca sĩ tham gia vào việc nói xấu đất nước trong DVD sản xuất ở hải ngoại sẽ bị ngừng cấp phép biểu diễn trong năm nay. Những chương trình mà họ đăng ký biểu diễn trong nước đã được cấp phép từ trước sẽ phải tìm ca sĩ khác thay thế.
* Được biết, chương trình này còn có sự tham gia một số ca sĩ trong nước, ông có thể tiết lộ danh tính?
- Chúng tôi sẽ tiết lộ cụ thể sau khi xem xét kỹ lại DVD của Trung tâm Asia. Những người vi phạm chắc chắn sẽ bị xử lý theo đúng quy định.
* Vừa qua, một việc làm nữa của Cục NTBD gây xôn xao dư luận là việc “thổi còi” chương trình “Gặp nhau cuối năm – Táo Quân 2013” khi chương trình này vừa tổ chức ghi hình. Ông có thể nói cụ thể hơn những vi phạm của chương trình?
- Vi phạm lớn nhất của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) khi thực hiện chương trình “Táo Quân 2013” là tiến hành biểu diễn khi chưa được cấp giấy phép. Khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp phép cho chương trình, chúng tôi đã yêu cầu VFC cho thẩm định nội dung, vì đây là chương trình được nhiều người quan tâm, nên việc thẩm định rất cần thiết nhưng họ đã không hợp tác. Cuối cùng họ vẫn tổ chức ghi hình, biểu diễn với khán giả dù chưa được cấp phép.
* Nghe nói, băng đĩa phát hành Táo Quân 2013 cũng bị tạm dừng cấp phép, thưa ông?
- Khi xem băng đĩa phát hành của Táo Quân 2013, chúng tôi thấy có nhiều nội dung khá phản cảm nên tạm dừng cấp phép phát hành cho sản phẩm băng đĩa này và yêu cầu chỉnh sửa lại nội dung. Chúng tôi cũng đã gửi văn bản đến lãnh đạo Bộ VHTT&DL yêu cầu kiểm soát chặt nội dung của sản phẩm này.
* Được biết, mọi năm đơn vị tổ chức “Gặp nhau cuối năm” vẫn tiến hành sản xuất theo cách này nhưng không bị cơ quan quản lý nhắc nhở. Tại sao năm nay, Cục NTBD lại “mạnh tay” làm chặt vậy, thưa ông?
- Chúng tôi không giấu giếm nhận lỗi rằng, những năm trước chúng tôi khá buông lỏng quản lý với chương trình này. Phần lớn, chúng tôi duyệt cấp phép trên kịch bản chứ không yêu cầu thẩm định nội dung trước. Việc làm này đã khiến cho có nhiều chương trình khi lên sóng truyền hình gây phản cảm với người xem. Cá nhân tôi nghĩ rằng, nghệ thuật thì phải có tính ước lệ và tượng trưng, khi phương thức nghệ thuật bị sử dụng quá thô thiển, đặc biệt là sử dụng để châm biếm một cách quá đà sẽ không còn mang tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho người xem. Vì lẽ đó, từ năm nay trở đi chúng tôi sẽ yêu cầu kiểm soát chặt hơn các chương trình được dư luận quan tâm có phát sóng trên đài Truyền hình Quốc gia.
* Thời điểm này, cơ quan quản lý đã nhận được văn bản phản hồi của phía VFC chưa thưa ông?
- Chúng tôi vẫn đang chờ và vẫn chưa thấy một sự phản hồi nào.
* Cám ơn ông về cuộc trò chuyện!