Kinh tế tháng 1-2013: Xuất hiện dấu hiệu phục hồi

Kinh tế - Ngày đăng : 07:09, 01/02/2013

(HNM) - Hoạt động kinh tế cả nước đã qua tháng đầu tiên, với một số kết quả tích cực, manh nha xuất hiện sự chuyển biến mạnh mẽ trong những tháng tới. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 đã tăng 1,25%; là mức tăng cao, không thể chủ quan, xem thường.

* Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 21,1%
* Kim ngạch xuất khẩu đạt 10,1 tỷ USD

(HNM) - Hoạt động kinh tế cả nước đã qua tháng đầu tiên, với một số kết quả tích cực, manh nha xuất hiện sự chuyển biến mạnh mẽ trong những tháng tới. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 đã tăng 1,25%; là mức tăng cao, không thể chủ quan, xem thường.

Chỉ số sản xuất công nghiệp đã được cải thiện trong tháng 1-2013. Ảnh: Bảo Lâm

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1-2013 tăng cao, ở mức 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sản xuất công nghiệp đang có dấu hiệu hồi phục khá rõ. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng trên diện rộng, nên tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp (DN) công nghiệp cũng được cải thiện, tăng 5,2% so với cùng thời điểm năm trước. Thực tế này mang lại hiệu ứng về nhiều mặt, bởi nó đáp ứng yêu cầu tăng cơ hội có việc làm và thu nhập cho người lao động ở thời điểm nhạy cảm ngay trước tết đồng thời củng cố tinh thần cho cả chủ sử dụng lao động.

Kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN) tháng 1 năm nay đạt 281 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2012 và trở thành điểm sáng đầu năm của nền kinh tế. Thực tế này chứng minh sức sống mạnh mẽ, năng động cũng như duy trì phong độ đều đặn của khu vực có vốn ĐTNN. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút 203 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 72,1% tổng vốn đăng ký. Đáng lưu ý, kết quả một khảo sát mới đây cho thấy, DN nhiều nước, trong đó có gần 66% số DN Nhật Bản khẳng định mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Trong tháng 1, vốn ĐTNN thực hiện giải ngân đạt 420 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012. Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, kết quả này thể hiện rõ nhất về niềm tin vào tương lai trung, dài hạn của nền kinh tế thông qua việc quyết tâm triển khai dự án tại Việt Nam.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1 đạt 10,1 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng rất cao. Một số mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2012, gồm điện thoại các loại và linh kiện tăng 105,5%; điện tử máy tính và linh kiện tăng 94,9%; cà phê tăng 68,8%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 50,3%; túi xách, ví, mũ, ô dù tăng 49,2%; sắt thép tăng 46,1%; giày dép và dầu thô cùng tăng 36%. Do kết quả xuất khẩu tăng khá trong khi nhập khẩu bị hạn chế nên nền kinh tế đã xuất siêu 200 triệu USD, cho thấy xu hướng xuất siêu từ năm ngoái vẫn tiếp diễn đến thời điểm hiện tại.

Giao thương nội địa và nhu cầu mua sắm gia tăng vào dịp Tết Nguyên đán. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các DN đang tập trung sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm và sản xuất mặt hàng liên quan kết hợp với hoạt động quảng bá sản phẩm, kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 đã tăng 1,25% so với tháng trước, là mức khá cao nên không thể chủ quan, xem thường. Vấn đề đặt ra là cần có sự theo dõi sát sao diễn biến thị trường để có biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Trước mắt, Bộ Công thương yêu cầu các địa phương, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý hành vi vi phạm về trật tự, quản lý thị trường như buôn lậu, hàng giả, hàng cấm... Thông thường, giá cả dịp tết sẽ tăng cao hơn so với mức trung bình trong thời gian trước và có tác dụng kích thích sản xuất, nhất là trong bối cảnh một số DN đang có mức tồn kho khá cao. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng thắt chặt công tác quản lý để thực hiện mục tiêu ổn định thị trường, phòng tránh hiện tượng găm hàng gây sốt ảo, từ đó ảnh hưởng xấu đến DN chân chính và người tiêu dùng.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng tăng 4,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 26,3%; ngành sản xuất, phân phối điện: 20,7% và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải: 10,3%. Một số ngành công nghiệp có mức sản xuất tăng cao so với cùng kỳ là sản xuất phụ tùng cơ khí và bộ phận phụ trợ tăng 93,6%; phân bón và hợp chất nitơ: 66,6%; xi măng: 60,3%; thiết bị truyền thông: 52,6%; giày, dép: 52,5%; hàng may sẵn: 49,1%; đường: 40,1%; sắt, thép, gang: 33,1%; dây, cáp điện: 32,2%; mô tô, xe máy: 30,6%; sợi: 30,1%...

Anh Minh