Về Cao Bằng
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:40, 01/02/2013
Hội CCB Báo Hànộimới tặng quà tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em tỉnh Cao Bằng. |
Năm 2009, chúng tôi đã có chuyến hành hương về thăm hang Pác Bó, suối Lênin, núi Các Mác, nơi năm 1941 Bác Hồ trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước; thăm khu rừng Trần Hưng Đạo tại huyện Nguyên Bình, nơi ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Trong chuyến đi này, chúng tôi đã trao quà tặng những người CCB nhiễm chất độc da cam/dioxin trên quê hương cách mạng. Năm 2010, đoàn công tác Báo Hànộimới về bản Khuổi Rặp, xã Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc, cách thành phố Cao Bằng gần hai trăm cây số, giúp bà con kéo điện về cái bản heo hút chỉ có 40 nóc nhà người Mông. Có điện là có loa đài, ti vi, ánh sáng của Đảng đến được với đồng bào, đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu, bà con không nghe theo những kẻ tuyên truyền đạo trái phép. Vì thế cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới được đồng nghiệp Báo Cao Bằng và lãnh đạo tỉnh quý mến như người thân.
Xe khởi hành từ 7h00, rời trụ sở 44 Lê Thái Tổ mang theo gần 1 tấn hàng. Quốc lộ 1 mới thênh thang 6 làn xe chạy, tốc độ tối thiểu 60, tối đa 80km/h. Chúng tôi đã đi đến nhiều vùng quê đất nước, chuyến nào cũng xốn xang tâm trạng. Lịch sử như trải dài theo bánh xe quay. Đất nước liên miên chiến tranh giặc giã, nơi nào cũng còn dấu tích chiến trận, xương máu bao đời chồng chất cho ước vọng thái bình. Giữa những công trình xây dựng hiện đại, những khu công nghiệp, khu đô thị, giữa màu xanh ngàn ngạt của cây lá hai bên đường cứ văng vẳng lời “Cáo bình Ngô” núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác và phảng phất cảnh tượng chiến trận tự thuở nào. Dãy núi Cai Kinh sừng sững ven đường, Quỷ Môn Quan, ải Chi Lăng án ngữ con độc đạo từ biên giới về xuôi. Thung lũng Chi Lăng năm nào dập dồn vó câu, tiếng ngựa hí quân reo dậy đất. Cũng trên đất này, năm 1965, tiểu đội nữ dân quân xã Quang Lang tuổi 17 đã bắn rơi một máy bay “thần sấm” Mỹ và những ngày cuối tháng 12 năm 1972, quân dân Chi Lăng Đồng Mỏ lại chia lửa với Thủ đô để góp phần làm nên một “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”…
Quốc lộ 4B quanh co theo thế núi hình sông. Ven đường hoa mận, hoa đào nở trắng vạt đồi, khe núi. Đây Na Sầm, kia Thất Khê, Đông Khê, ngọn núi nào Bác Hồ ta huề trượng đăng sơn quan trận địa (chống gậy lên non xem trận địa). Năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp bước sang thời kỳ phản công, phải giải phóng biên giới, mở đường thông sang các nước xã hội chủ nghĩa, đi ra thế giới. Thiên tài quân sự Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp quyết định điểm huyệt quân địch tại Thất Khê, Đông Khê. Đòn hiểm làm rúng động tuyến phòng thủ của địch, kéo hai binh đoàn Charton và Le Page từ hai đầu Cao Bằng, Lạng Sơn lại. Ai người bộ đội năm xưa ăn cháo ba bữa chạy mười chín cây, quyết ngăn không cho hai binh đoàn ấy hội sư, để rồi ta bắt sống cả hai viên quan năm tư lệnh và hàng nghìn lính trận đủ loại, Tây đen Tây trắng. Qua thăng trầm lịch sử, dải biên cương phía Bắc và cả dải đất hình chữ S thân thương chưa bao giờ nguôi ngoai khát vọng hòa bình.
Chiều muộn xe chúng tôi vào thành phố Cao Bằng, thủ phủ của tỉnh địa đầu đất nước. Đi trên những con đường đô thị 4 làn xe, dải phân cách trồng hoa, cây cảnh lại thương người lính thú ngày xưa dặn vợ trước khi lên đường trấn ải: “Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trảy nước non Cao Bằng”.
Người Cao Bằng tự hào quê mình bao đời vẫn là phên giậu của đất nước. Những Nùng Trí Cao, Nùng Tồn Phúc, Nùng Văn Vân… quật cường chống ngoại xâm, không cam chịu làm nô lệ. Thành nhà Mạc ở Nà Lừ, Cao Bình là căn cứ cuối cùng của một vương triều tuy ngắn ngủi nhưng kiên cường tự tôn.
Thị xã Cao Bằng được nâng cấp lên thành phố ngày 26-9-2012. Thành phố rộng hơn 10.000km2, dân số khoảng 90 nghìn người, gồm hai dân tộc chính là người Tày, người Kinh. Sông Bằng mùa nước cạn, lộ bãi sỏi giữa sông, hòn đá hình đầu rùa vạch trên nước vệt sóng như có chú rùa khổng lồ đang bơi ngược dòng. Đêm cuối năm Cao Bằng trời lạnh, không khí trong lành. Mới hơn 5h sáng, tiếng người đã lao xao trên con đường ven sông. Vài chiếc xe máy chở thịt lợn, thịt bò, dăm người gồng gánh mươi buồng chuối, vài chục bó rau cải, ít củ quả… mấy chị áo chàm bày những bó thuốc Nam, chè rừng bên đường. Cao Bằng còn nghèo. Chợ trung tâm rộng gần 1ha còn lộn xộn, hàng hóa chủ yếu từ Trung Quốc sang, từ quả hạt dẻ đến cam quýt, áo quần, đồ dùng… toàn những thứ hàng rẻ tiền, mau hỏng. Sản vật nội địa chỉ thấy thịt lợn, rau cải, đồ nhựa gia dụng dưới xuôi lên. Hạt dẻ Trùng Khánh, đặc sản địa phương hầu như không còn. Nhưng thành phố đã có những hoạt động của một nền kinh tế hiện đại. Kề bên khách sạn Bằng Giang là cửa hàng Thế giới di động, kinh doanh theo phương thức tiên tiến. Thành phố đã có dịch vụ taxi, siêu thị mi ni…, minh chứng cho một hướng phát triển hiện đại trong tương lai gần.
Như mọi lần, đồng nghiệp Báo Cao Bằng đón tiếp đoàn công tác Báo Hànộimới thật thân tình. Tổng Biên tập Sầm Việt An người Tày dáng vẻ thư sinh nho nhã nắm rất chắc tình hình địa phương, hỏi câu nào trả lời luôn câu ấy, tự tin, mạch lạc. Về Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Mai Nguyên khoe quê ở Thanh Oai, Hà Tây, bây giờ là Hà Nội rồi. Trường có khoảng 400 học sinh, gồm 9 dân tộc, nhiều nhất là Tày, Nùng, Mông, Dao, nhà em xa nhất ở tận Bảo Lâm, hơn 200km, chưa kể đi bộ đường rừng về nhà. Hằng tháng mỗi cháu được hưởng 80% mức lương tối thiểu, khoảng 800.000 đồng, còn khó khăn lắm. Thế nhưng nhìn cháu nào cũng hồng hào mơn mởn đủ thấy nhà trường đã cố gắng nuôi dưỡng các con tốt như thế nào. Cháu Nông Thị Bách, dân tộc Tày, quê xã Lê Lợi, huyện Thanh An, cách trường 50km, học lớp 12A kể, năm nay bận học nên con chưa về thăm nhà lần nào. Ở trường các con vui lắm vì có điều kiện tiếp xúc giao lưu với các bạn, được thầy cô yêu thương. Học hết phổ thông con sẽ thi vào Trường Luật và Trường Cao đẳng Y tế công cộng. Quê con giờ đã khá hơn, đời sống không vất vả đâu. Còn Nông Thị Thảo, dân tộc Nùng, quê xã Ngọc Động, huyện Quảng Uyên có nguyện vọng thi vào ngành chăn nuôi Trường Đại học Nông nghiệp…
Ở Trường Nội trú vui bao nhiêu, sang Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh lại nặng lòng bấy nhiêu. Phó Giám đốc Sầm Thị Kim Huế người Tày, quê xã Bế Triều, huyện Hòa An nom thật tươi tắn nhưng cũng rất tần tảo cho biết, Trung tâm đang nuôi dưỡng hơn 100 trẻ mồ côi, lang thang, người tâm thần, cơ nhỡ không rõ nguồn gốc, nhiều nhất là người Mông, rồi đến Tày, Dao, Kinh, nhiều cháu chưa biết tiếng phổ thông. Mỗi tháng mỗi “đối tượng” được hưởng tiêu chuẩn 400.000 đồng, trẻ sơ sinh được 500.000 đồng. Anh chị em cán bộ, nhân viên phải trồng trọt, tăng gia, vận động các nhà hảo tâm tài trợ thêm, thế mà đứa trẻ nào trông cũng cứng cáp, nghịch ngợm. Hôm chúng tôi đến, gặp đoàn từ thiện của sư thầy chùa Đồng Lân, phường Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng đến cho các cháu một bữa cơm chay. A Di Đà Phật, xin cảm tạ tấm lòng bồ tát của nhà chùa. Lúc tập trung ở hội trường, nhận tấm áo mới, cái kẹo thơm từ tay những người CCB, lũ trẻ háo hức nhưng còn dè dặt, nhìn mà thương.
Chuyến công tác kết thúc sớm hơn dự kiến nhờ sự giúp đỡ tận tình của đồng nghiệp báo bạn. Bữa sáng chia tay, bạn đãi món đặc sản bánh cuốn Cao Bằng. Bánh cuốn tráng dày, nhân nấm, hành mỡ, ăn với giò nhưng chiêu nước canh, lạ quá. Các anh, các chị Mai, Bốn, Chuyên, đồng nghiệp Báo Cao Bằng ân cần: “Các anh ăn nhiều đi, dưới xuôi không có bánh cuốn này đâu. Tết lại về Cao Bằng với chúng em nhé”.