Những điều đọng lại
Văn hóa - Ngày đăng : 06:47, 31/01/2013
Một mảng đề tài quen thuộc, trở đi trở lại trong thơ Nguyễn Minh Khang là hình ảnh người lính, trong cả ký ức và hiện tại. Nỗi nhớ, nỗi ám ảnh, ký ức về cuộc chiến và đồng đội luôn nguyên vẹn và gần gũi. Đọc “Phim trong thành cổ” không khỏi rưng rưng khi người sống và người chết đang ngồi bên nhau để cùng ôn lại những khoảnh khắc hào hùng mà cũng đầy đau thương mất mát.
“Buổi chiếu phim nào như buổi chiếu này không?
Hàng ghế trước dành cho người liệt sỹ
Nến cháy đỏ các anh ngồi lặng lẽ
Phim chiếu về anh đang bắn đạn đỏ nòng”.
Rồi những trăn trở về đồng đội, khi người lính sau cuộc chiến
“Người về sau chiến thắng
Khắc khoải đời mưu sinh”
(Ký ức)
“Thanh bình giữa chốn quê nhà
Chiếc xe lăn, bóng chiều tà loay hoay
Cuộc đời xoay những vòng xoay
Sáng chiều với chiếc xe này tự lăn”
(Anh thương binh và chiếc xe lăn).
Bằng thơ, Nguyễn Minh Khang đã lưu lại ký ức chiến trường để “cho quá khứ sẽ không là dĩ vãng/ cho quá khứ sẽ không vào tĩnh lặng” (Mùi cỏ cháy).
Một mảng hiện thực khác, xuất hiện cũng tinh tế mà khắc khoải chiều sâu suy tư trong thơ anh, như quan niệm về cà phê - thứ gần gụi với mỗi người hằng ngày, phản chiếu ít nhiều những đa dạng đời sống…
“Cà phê máy lạnh giết chết thời gian
Cà phê vườn cà phê du hí
Cà phê bụi cà phê tri kỷ
Sang hèn tí tách cà phê”
(Không gian café).
Cũng trong tập thơ này, tôi có ấn tượng đặc biệt với những câu thơ về quê hương. Luôn luôn là một miền quê thanh bình, mộc mạc, ấm áp tình người trong thơ Nguyễn Minh Khang.
“Chân ngâm bùn tím màu da
Tay khua cỏ rối cóng tà áo bông”
(Mưa gió tháng ba)
hay: “Người quê tôi nặng tâm tư
Người nhập cư với ngụ cư
quây quần”
(Quê nghèo).
Từ quê mình tới quê người, từ nước mình sang nước bạn, đến đâu nhà thơ cũng thấy có nhiều điều để nói. Không nỗi buồn trăn trở thì là nỗi nhớ vấn vương hoặc thanh bình hơn là những lời thơ tả cảnh trong lành, lãng mạn. Thấp thoáng trong con người thơ Nguyễn Minh Khang có cả một nhà báo, một nhà tâm lý học, một họa sỹ… Tâm hồn đó dường như chưa bao giờ ngừng suy nghĩ, chiêm nghiệm và yêu thương.
Đến nước Mỹ, thăm tượng đài ở Washington, Nguyễn Minh Khang đã viết :
“Washington hỡi những tâm hồn
Những cái đầu nóng lạnh
Hãy để tình yêu là sức mạnh
Chiến tranh ư?
Hoa úa dưới tượng đài”
(Tưởng niệm)…
Còn nhiều nữa những vùng đất tác giả đã đi qua như: Lasvegas - “thành phố của những người sống vội”, Triều Tiên - “cờ giới tuyến tranh nhau cao thấp”, Hàn Quốc - “xứ sở sương mù, ngàn năm văn hiến” hay Lào với “Xiêng Khoảng trời mây, Đồng Chum giăng nắng”… Thơ lúc này đã trở thành nhật ký chuyến đi sống động cảm xúc.
Có thể nói, hơn 130 bài thơ, câu đối ý nghĩa đã làm nên một “Dấu thời gian” đáng nhớ trong lòng bạn đọc, đem lại cho đời sống văn học nghệ thuật một làn hương dịu nhẹ, mà như Nguyễn Minh Khang đã viết:
“Thời gian nước chảy mây trôi
Dòng thơ góp chút mật đời tỏa hương”.