Thi tốt nghiệp THPT năm 2013: Tăng giám sát, giảm tiêu cực?
Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:40, 31/01/2013
Nhặt "sạn"
Coi thi được cho là khâu yếu nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này được lãnh đạo Bộ GD-ĐT thừa nhận tại hội nghị tổng kết các kỳ thi năm 2012 vừa diễn ra tuần trước. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, thực tế này đã tồn tại dai dẳng nhiều năm nay và không phải Bộ GD-ĐT chưa nhận thấy. Đã có nhiều biện pháp được Bộ GD-ĐT chỉ đạo, triển khai tại các kỳ thi, song dường như vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn triệt để, thậm chí, tại một, hai kỳ thi gần đây, theo dư luận phản ánh, những biểu hiện tiêu cực có chiều hướng tăng.
Sẽ có một số quy định mới nhằm siết chặt kỷ luật kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Ảnh: Viết Thành |
Thực tế cho thấy, giám thị ở một số nơi chưa làm tròn chức trách, thiếu nghiêm túc, thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc non kém về nghiệp vụ, để thí sinh mang tài liệu vào phòng thi, quay cóp, chép bài của nhau. Điển hình là vụ tiêu cực tập thể diễn ra tại hội đồng coi thi Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (tỉnh Bắc Giang). Cảnh học trò quay cóp, thầy cô ném "phao" ở hội đồng này khiến cả những người trong và ngoài ngành GD-ĐT bức xúc, nghi ngại về sự thăng hạng chóng mặt của nhiều địa phương trong bảng xếp hạng kỳ thi tốt nghiệp mấy năm gần đây.
Quá trình nhặt "sạn" của Bộ GD-ĐT tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước còn lộ rõ nhiều bất cập ở các khâu khác, điển hình như chấm thi. Kết quả chấm thẩm định của Bộ ở 16 tỉnh, TP cho thấy có nhiều bài thi bị chấm sai, chấm không đúng đáp án và thang điểm hoặc cộng điểm sai; nhiều bài thi có kết quả điểm công bố chênh lệch theo hướng cao hơn so với kết quả chấm thẩm định, chủ yếu là cao hơn từ 1-2 điểm, cá biệt có những trường hợp cao hơn đến 3 điểm.
Thí sinh được ghi âm,ghi hình trong phòng thi?
Kết quả điều tra về vụ gian lận thi cử ở Bắc Giang không chỉ cho thấy nhiều yếu kém trong công tác tổ chức coi thi mà còn lộ rõ sự thiếu ý thức, trách nhiệm của tất cả những thành viên được giao trọng trách giữ gìn kỷ luật phòng thi, gây nên sự mất công bằng, khiến dư luận xã hội thiếu tin tưởng. Vì vậy, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD-ĐT dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều trong quy chế thi theo hướng tạo cơ chế để tăng cường sự giám sát của mọi lực lượng và cả thí sinh dự thi đối với công tác coi thi. Theo dự kiến, thí sinh sẽ được phép mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình, chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi và người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ nếu không có thiết bị hỗ trợ khác. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng quy định này nhằm tác động tới tâm lý đối với những người tham gia thực hiện, giám sát kỳ thi, cũng là sự kiểm soát vô hình khiến các lực lượng tham gia phải thực hiện quy chế nghiêm túc hơn.
Dù mới đưa ra để lấy ý kiến đóng góp, song quy định này đang khiến nhiều người băn khoăn. Khi cho phép HS mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi, Bộ GD-ĐT đã tính đến phương án để kiểm soát tình hình này chưa? Liệu có thể kiểm soát được việc thực thi của cả triệu thí sinh ở hàng nghìn phòng thi trên cả nước? Và ai có thể kiểm soát được nội dung trong máy ghi âm, ghi hình mà thí sinh đem vào phòng thi? Ý kiến của nhiều cán bộ quản lý nhà trường cho rằng việc lắp camera theo dõi trong phòng thi sẽ đơn giản, hiệu quả hơn nhiều so với việc cho phép thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi.
Thực tế cho thấy những nghi ngại này không phải là không có căn cứ. Ở nhiều kỳ thi trước, việc kiểm soát vật dụng thí sinh mang vào phòng thi được thực hiện khá nghiêm ngặt và cũng mới chỉ dừng lại ở những vật dụng đơn giản mà ở nhiều nơi vẫn để lọt vi phạm. Năm ngoái, khi cơn sốt phao thi mang tên "bút tàng hình" được lực lượng công an phát giác và cảnh báo nhiều lần, song đã mấy giám thị biết mặt mũi chiếc bút ấy ra sao, sử dụng thế nào? Chuyện nhiều người không theo kịp, thậm chí mù tịt với những thiết bị công nghệ hiện đại không phải là hiếm và các thầy, cô giáo cũng không phải ngoại lệ. Thực tế này đòi hỏi tất cả giám thị coi thi trên cả nước phải được tập huấn về kỹ năng quản lý và kiểm tra, giám sát phương tiện mà thí sinh mang vào phòng thi. Vấn đề khác phải tính đến là sau khi ra khỏi phòng thi, lực lượng nào sẽ bảo vệ thí sinh nếu em đó ghi âm, ghi hình những gian lận, tiêu cực của bạn bè cùng phòng thi? Ai dám chắc sẽ kiểm soát được tình hình bên ngoài cổng trường sau khi kết thúc môn thi?...
Chưa biết hiệu quả của quy định mới ra sao, song rõ ràng, để áp dụng được, ngành GD-ĐT còn phải xem xét, cân nhắc nhiều điều. Những điều ấy có thể khiến cho mục đích của kỳ thi là giảm tốn kém, lãng phí và bớt căng thẳng không được như mong muốn.