Dự án cải tạo lòng dẫn sông Đáy: Chậm vì thiếu mặt bằng

Xã hội - Ngày đăng : 07:21, 30/01/2013

(HNM) - Năm 2008, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Dự án nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy, thuộc địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, do biến động về chính sách, khiến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp nhiều khó khăn, làm cho dự án bị chậm tiến độ.

Một đoạn sông Đáy chảy qua địa phận quận Hà Đông. Ảnh: Lê Tuấn

Sông Đáy có chiều dài 240km, chảy qua địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Tại Hà Nội, sông Đáy chảy qua địa phận các huyện: Phúc Thọ, Hoài Đức, Quốc Oai, Mỹ Đức, Đan Phượng… có ý nghĩa quan trọng trong việc phân lũ và cung cấp nước. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, rác thải và tình trạng lấn chiếm của các xã ven sông đã khiến lòng dẫn sông Đáy bị ách tắc; nhiều vùng trồng rau, màu ven sông không phát triển được do nguồn nước ô nhiễm.

Trên địa bàn Hoài Đức, sông Đáy chảy qua xã Cát Quế và xã Dương Liễu chuyên sản xuất nông sản, hằng ngày nước thải xả thẳng ra sông, làm ách tắc, lắng đọng, nước màu đen bốc mùi khó chịu. Đặc biệt, vào những tháng cuối năm, các làng nghề sản xuất nhiều, nước thải, bã dong giềng đổ ra đặc quánh cả dòng sông. Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tiền Yên (Hoài Đức) Nguyễn Văn Hào cho biết: Do nước sông bị ô nhiễm, nên cấy lúa cho năng suất rất thấp; các xã vùng bãi còn không thể sản xuất rau màu được...

Dự án nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy thuộc địa bàn Hà Nội có tổng mức đầu tư ban đầu 349.038 triệu đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án đi qua 4 huyện, quận: Phúc Thọ (2 xã); Hoài Đức (8 xã), Quốc Oai (8 xã), Hà Đông (3 phường). Theo Trưởng ban Quản lý các dự án nông nghiệp-thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Danh Vụ thì ngay từ khi được giao thực hiện dự án, Ban quản lý đã khẩn trương thuê tư vấn, thiết kế, lập dự án, rà phá bom mìn, vật nổ và đo đạc, tiến hành GPMB. Đến cuối năm 2009, có 13 gói thầu của dự án đã được phê duyệt thiết kế và 6 gói thầu đã lựa chọn nhà thầu thi công, song do công tác GPMB chậm nên các gói thầu vẫn chưa triển khai được.

Năm 2012, Ban quản lý dự án triển khai 4 gói thầu (3, 4, 5, 6) trên địa bàn các xã: Liên Hiệp (Phúc Thọ); Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở (Hoài Đức); Sài Sơn (Quốc Oai), dự toán tổng kinh phí GPMB 4 gói thầu này là 125,33 tỷ đồng. Thế nhưng, số vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho năm 2012 mới chỉ có 55 tỷ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ NN&PTNT đã bố trí kinh phí cho công tác GPMB. Đến thời điểm này, mặt bằng thi công của các gói thầu 3, 4, 5, 6 đã được bàn giao đang thi công, đạt từ 10 đến 33% khối lượng. Đối với gói thầu số 2 và cầu giao thông Hiệp Thuận, Sở NN&PTNT đã phê duyệt điều chỉnh dự toán, chờ quyết định của Bộ NN&PTNT.

Năm 2013, Bộ NN&PTNT đã bố trí 125 tỷ đồng để hoàn tất các gói thầu từ số 3 đến số 7, với mục tiêu khai thông dòng chảy vào đầu mùa mưa lũ (tháng 6-2013). Theo Ban quản lý dự án, hầu hết các nhà thầu đã chủ động máy móc, nhân lực để thi công, tuy nhiên công tác GPMB ở một số địa phương còn chậm, chưa chủ động hợp tác với chủ đầu tư. Chính quyền nhiều huyện, xã còn trông chờ vào kinh phí đền bù quỹ đất bãi ven sông và đất quỹ 1... Bà Trịnh Thanh Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí tàu cuốc và thương mại Hưng Thịnh, đơn vị thực hiện gói thầu số 5 cho biết, hiện đã thực hiện được gần 40% kế hoạch. Công ty đã bố trí đầy đủ máy móc, nhân lực, chỉ chờ có mặt bằng là tiến hành thi công.

Trước tình trạng bàn giao mặt bằng chậm trễ, Bộ NN&PTNT đã đề nghị thành phố Hà Nội chỉ đạo các huyện có dự án đẩy nhanh tiến độ GPMB để các đơn vị thi công, bảo đảm đúng tiến độ; chủ dự án phối hợp chặt chẽ với các xã có công trình đi qua, đôn đốc việc GPMB, khẩn trương bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công. Các xã hưởng lợi của dự án cần quyết liệt vào cuộc vận động người dân hợp tác, xác định chính xác nguồn gốc đất, phê duyệt phương án hỗ trợ để đền bù GPMB và trong quý I-2013 phải có mặt bằng sạch để các đơn vị thi công.

Đào Huyền