Hữu danh vô thực
Xã hội - Ngày đăng : 07:12, 30/01/2013
Lỗi một phần tại ông và ban quản trị năng lực điều hành kém, nhưng nhận bàn giao sổ sách tài sản HTX chỉ có vốn quỹ hơn tám trăm triệu đồng, trong đó định giá tài sản cố định đã chiếm 2/3 tổng vốn thì biết kinh doanh dịch vụ kiểu gì? Quỹ két chỉ có gần ba trăm triệu đồng vốn lưu động thì làm sao ông và ban quản trị có thể xoay xở, tính toán mà phục vụ, làm dịch vụ sản xuất cho gần 800 xã viên được.
Thời buổi kinh tế thị trường, HTX hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm, không được cấp kinh phí, vốn liếng trông chờ vào sự đóng góp của xã viên thì để tồn tại được đã là bài toán khó chứ chưa nói đến kinh doanh hiệu quả, mang lại lợi ích cho xã viên. Đã vậy, tiếng là đã đại hội xã viên, nhưng thực chất vẫn là "bình mới, rượu cũ", xã viên không góp vốn bổ sung, HTX kinh doanh không có lãi nên "có tiếng mà không có miếng". Với ba trăm triệu đồng HTX Vân chỉ loay hoay vài ba khâu dịch vụ là thủy lợi, bảo vệ đồng ruộng và bảo vệ thực vật, dự báo sâu bệnh cho xã viên. Bởi vậy, vào sản xuất vụ xuân, nhưng Ban quản trị dù đã bàn đi tính lại mấy buổi họp mà cũng không dám mở thêm được khâu dịch vụ nào, bởi không biết lấy đâu ra vốn.
Tình trạng trên không phải là chuyện riêng của HTX Vân mà khá phổ biến trên địa bàn thành phố. Ông Bình còn nhớ hôm trước họp trên thành phố, lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã cho hay: Hiện Hà Nội còn tới 35% số HTX rất khó khăn, vốn quỹ ít, hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, không hỗ trợ được những khâu dịch vụ mà xã viên rất cần như: khâu giống, vật tư, phân bón, tiêu thụ nông sản… Bởi vậy, Nhà nước và thành phố cần có giải pháp cụ thể, có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho HTX, đồng thời mạnh dạn giải thể, loại bỏ những HTX yếu kém, "hữu danh vô thực" kiểu như HTX Vân, thì mới giúp các HTX hoạt động đúng với vai trò, nhiệm vụ của mình, thực sự giúp nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp.