Tập trung mọi biện pháp đảm bảo cho dân đón Tết
Chính trị - Ngày đăng : 22:23, 29/01/2013
Theo báo cáo của Chính phủ, trong tháng 1, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán và đã đạt được những kết quả bước đầu.
Tín hiệu lạc quan từ đầu năm
Trong tháng 1, lãi suất tín dụng giảm, góp phần hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp; công tác quản lý thị trường vàng đã đem lại hiệu quả, giá vàng giảm, thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 1,25% so với tháng trước, là mức tăng trung bình so với cùng kỳ các năm trước. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu không tính các biện pháp hành chính (tăng giá dịch vụ y tế của 10 địa phương) thì mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 sẽ thấp hơn.
Trong 15 ngày đầu tháng 1/2013, tổng thu NSNN ước đạt 25,7 nghìn tỷ đồng, bằng 3,1% dự toán; tổng chi NSNN ước đạt 33,85 nghìn tỷ đồng, bằng 3,5% dự toán. Ngành Tài chính đã chủ động tạm cấp kinh phí tháng 1/2013 theo Luật Ngân sách nhà nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi của NSNN các cấp.
Vốn FDI, ODA thực hiện và đăng ký mới tăng so với cùng kỳ. Vốn thực hiện ước đạt 420 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm ước đạt 281,5 triệu USD. Vốn ODA giải ngân ước đạt 100 triệu USD, bằng 2,2% kế hoạch. Có 4 dự án được ký kết với tổng trị giá 187 triệu USD.
An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được thắt chặt; công tác bảo đảm an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, phòng chống cháy nổ được tăng cường.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2013 giảm 3,2% so với tháng trước nhưng tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho cao như sản xuất thức săn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 26,7%; may trang phục tăng 23,3%; sản xuất xi măng tăng 35,7%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 374%; sản xuất dây cáp điện các loại tăng 34,1%.
Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, nhập khẩu được cải thiện, xuất siêu đạt khoảng 200 triệu USD.
Tính từ ngày 1-20/1, cả nước có 3.837 doanh nghiệp được thành lập với số vốn đăng ký trên 15,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% về số doanh nghiệp và giảm 61,3% về số vốn đăng ký so với tháng 12/2012; so với cùng kỳ năm trước, giảm 6% về số doanh nghiệp và giảm 11,9% về số vốn đăng ký. Có 4.278 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, tăng 6,9% so với tháng 12/2012 và tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.
Bảo đảm nhân dân đón Tết vui Xuân an toàn
Một trong những nội dung được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận chính là các giải pháp đảm bảo nhân dân đón Tết vui xuân an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai tốt việc cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để thiếu hàng, sốt giá. Việc đi lại cho dân cần tiếp tục được tăng cường kiểm soát, không để thiếu phương tiện hay xảy ra tình trạng nhồi nhét khách trên tàu, xe.
Nếu cần, các doanh nghiệp vận tải như hàng không, đường sắt có thể hạ giá xuống mức hòa vốn để chia sẻ khó khăn, tạo thuận lợi cho nhân dân trong dịp Tết, Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải chăm lo tốt đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; bộ đội, công an, đặc biệt là các lực lượng đang làm nhiệm vụ, trực sẵn sàng chiến đấu trên địa bàn. Công an các tỉnh thành kiểm soát nghiêm việc cấm đốt pháo, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn giao thông. Thủ tướng giao nhiệm vụ trước mắt là giảm cả 3 chỉ tiêu về an toàn giao thông so với Tết năm trước.
Phát biểu thảo luận, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng khẳng định ngành nông nghiệp đã có phương án chuẩn bị đủ nguồn cung, kiểm soát chất lượng từ nguồn các loại thực phẩm thiết yếu dịp Tết. “Chắc chắn đảm bảo đủ nguồn cung, chất lượng thịt, rau, thủy sản”, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nói.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, ngành vận tải đường sắt, đường không, đường bộ đều đã bố trí đủ phương tiện, có phương án tăng xe, tăng chuyến dịp trước và sau Tết. Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, ngành Giao thông sẽ đảm bảo không người dân nào không được về quê ăn tết vì thiếu tàu xe. Bộ trưởng Thăng cho biết, tại thời điểm này, người dân vẫn có thể mua vé đi vào các ngày cao điểm, một số chuyến tàu, tuyến bay còn trống khá nhiều chỗ.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân cho biết ngành đã làm việc chặt chẽ với các địa phương, đặc biệt là những tỉnh, thành tập trung các khu công nghiệp để có giải pháp đảm bảo lương, thưởng cho công nhân, tạo điều kiện cho họ về quê ăn Tết và trở lại làm việc sau Tết đúng kế hoạch.
Cụ thể hóa các Nghị quyết của Chính phủ ngay trong quý I
Phát biểu thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực, cho thấy tín hiệu khả quan ngay từ đầu năm, nhưng tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn; việc chỉ số lạm phát tăng 1,25% trong tháng 1 là không thể chủ quan.
Cho rằng các chủ trương, giải pháp chỉ đạo điều hành đều đã được thể hiện trong Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ, ngành cần khẩn trương ban hành, trình Chính phủ ban hành các văn bản pháp quy, tránh tình trạng chậm trễ trong triển khai thực hiện, làm giảm ý nghĩa của chính sách.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thống nhất cho rằng trong điều hành cần giữ vững kỷ cương, chú trọng cải cách hành chính, hoàn thiện các cơ chế, đề án để nhanh chóng đưa các chủ trương, giải pháp của Chính phủ vào cuộc sống.
Ghi nhận những kết quả tích cực trong sản xuất, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát hiện tượng chuyển giá, “lãi thật, lỗ giả” của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Phó Thủ tướng đề nghị có thể thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện việc kiểm toán, kiểm tra chuyển giá của doanh nghiệp.
Để tăng hiệu quả công tác phòng, chống buôn bán gà nhập lậu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần làm tốt công tác thông tin để người dân hiểu rõ tác hại của việc sử dụng gà thải loại làm thức ăn do tồn dư kháng sinh rất lớn. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để tăng hiệu quả của cơ chế kiểm soát liên ngành đối với việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vận chuyển, buôn bán gà lậu.
Phát biểu kết luận phần nội dung kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh việc các bộ, ngành cần tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ một cách quyết liệt, khẩn trương.
“Trước hết là cụ thể hóa thể chế, có những nội dung đã nêu trong Nghị quyết nhưng không có Thông tư, Nghị định để triển khai những quy định cụ thể thì không thực hiện được. Từng bộ phải rà soát, đánh giá lại theo chức năng, nhiệm vụ của mình để triển khai, cụ thể hóa nội dung các Nghị quyết của Chính phủ ngay trong quý I”, Thủ tướng yêu cầu.
Trong tổ chức thực hiện, Thủ tướng đề nghị cần đặc biệt chú ý việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, kịp thời báo cáo Thường trực Chính phủ xử lý những vấn đề còn vướng mắc, nhất là trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đối với những vấn đề cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giá cả trên tinh thần bám sát nhiệm vụ trọng tâm, không được chủ quan.
Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát tốt lãi suất, tăng dư nợ tín dụng phù hợp với mục tiêu cả năm, không để “giật cục”, hướng vào những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngành Tài chính tập trung giải ngân hết vốn 2012, triển khai vốn 2013. Đồng thời, nắm chắc nhu cầu để xem xét, xử lý việc ứng vốn 2014 cho các công trình, dự án giao thông trọng điểm.Trong lĩnh vực nông nghiệp, tích cực chỉ đạo thực hiện tốt việc mua gạo tạm trữ, không để giá xuống thấp, ảnh hưởng đến người nông dân.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu luôn nêu cao cảnh giác, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Ngay từ đầu năm cần đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo và làm tốt công tác tuyên truyền, củng cố đồng thuận xã hội.
“Thanh tra đối với TP Đà Nẵng là bình thường, theo đúng quy định pháp luật” Cuộc thanh tra về việc sử dụng, quản lý đất đai tại TP Đà Nẵng là bình thường, được Thanh tra Chính phủ thực hiện theo đúng quy định pháp luật, Người phát ngôn của Chính phủ Vũ Đức Đam nhắc lại điều này tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều 29-1. Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, công tác thanh tra là việc làm rất thường xuyên của Chính phủ, trong đó nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ được các luật, pháp lệnh, nghị định quy định rất chặt chẽ. Hàng năm, Thanh tra Chính phủ đều có kế hoạch thanh tra, tiến hành thanh tra theo kế hoạch và đột xuất, việc công bố các kết luận thanh tra cũng được thực hiện thường xuyên. Cụ thể, năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã công bố 26/27 Kết luận thanh tra. Năm 2012, cơ quan này đã công bố 20/24 Kết luận thanh tra. Chỉ còn lại một số cuộc thanh tra có nội dung liên quan đến an ninh-quốc phòng, hoặc cần làm rõ tiếp thì Thanh tra Chính phủ chưa công bố. Người phát ngôn của Chính phủ cho biết dù chưa nhận được báo cáo chính thức của UBND TP Đà Nẵng về Kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng Chính phủ đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ báo cáo về những thông tin mà báo chí đã phản ánh. Phóng viên tờ Sài Gòn Tiếp thị đặt câu hỏi, Chính phủ có phúc tra lại Kết luận thanh tra về TP Đà Nẵng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết theo Luật Thanh tra, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra, và một số luật khác thì không có khái niệm “phúc tra” Kết luận thanh tra mà chỉ có khái niệm “thanh tra lại” đối với những Kết luận thanh tra của thanh tra các bộ, các tỉnh, còn khi Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra thì cũng không có việc “thanh tra lại”. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến về Kết luận thanh tra tại Đà Nẵng, đã giao nhiệm vụ cho UBND TP Đà Nẵng, cho một số bộ, ngành như Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công an thì các cơ quan hành chính Nhà nước đó theo quy định cần thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy có vấn đề cần phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét lại thì sẽ báo cáo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết thêm. Các dự án vướng nhất về giải phóng mặt bằng Vụ việc nhà thầu Nhật Bản đòi chủ đầu tư cầu Nhật Tân "bồi thường" 200 tỷ đồng do chậm giải phóng mặt bằng được dư luận quan tâm, trong bối cảnh nhiều công trình chậm tiến độ do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 1/2013 của Văn phòng Chính phủ, chiều 29/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, vụ việc này đã được báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây là sự việc đáng tiếc. Hiện nay, các công trình hạ tầng như đường xá, bệnh viện, trường học… còn gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Có nhiều nguyên nhân như do quy định của luật pháp; quá trình thực hiện; công tác vận động, tuyên truyền người dân chưa tốt… Về việc giải phóng mặt bằng cho thi công cầu Nhật Tân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải cùng Hà Nội giải quyết đảm bảo tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhanh chóng nhưng phải đúng thủ tục. Đây là những công trình phục vụ dân sinh, cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam nói: “Đất nước phát triển thì không thể không xây dựng nhà máy, không xây đô thị mới nhưng phải đảm bảo hài hòa lợi ích”. Liên quan tới vấn đề đất đai, Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) . Vừa qua, khi tổng kết các vụ việc khiếu kiện kéo dài thì thấy chủ yếu liên quan đến đất đai. Sau khi Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương quyết liệt xử lý, số vụ khiếu kiện kéo dài đã được giải quyết rất nhiều. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, Chính phủ đã nêu một số giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, cũng như giảm tiền thuê đất. Nền hành chính chuyên nghiệp không có chỗ cho “chạy công chức” Trao đổi về những thông tin “chạy công chức” được phản ánh trên một số tờ báo thời gian gần đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định cần lên án, đấu tranh với hiện tượng này. Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, việc xây dựng một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, mỗi một vị trí đều có trách nhiệm rõ ràng, có thước đo chuẩn mực, chính xác sẽ loại bỏ những hiện tượng tiêu cực hay phân biệt bằng cấp khi thi tuyển vào cơ quan hành chính. Và tại phiên họp đầu năm 2013, Chính phủ đã đề cập và thảo luận, xem xét tăng cường chỉ đạo xem xét Chương trình tổng thể cải cách hành chính với nhiều nội dung như: cải cách thể chế, hiện đại hóa công sở, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức… Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng chia sẻ thêm trong quá trình công tác, ông đã gặp, trò chuyện và biết nhiều công chức, viên chức “chưa được làm việc nhiều” khát khao được cống hiến rất lớn. Vì vậy, cần khuyến khích, tạo cơ hội cho họ phát huy khả năng của mình. Đây là quá trình lâu dài, phải làm thường xuyên, quyết liệt, có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn nhưng phải phấn đấu kiên trì, quyết liệt, thì chúng ta sẽ có một bộ máy công chức với chức trách nhiệm vụ được xác định rõ ràng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói. |