Bài 1: Đã hết “một cửa - nhiều khóa”?
Đời sống - Ngày đăng : 06:28, 29/01/2013
Cải cách hành chính được chọn là một trong những khâu đột phá của thành phố Hà Nội. Ảnh: Trung Kiên |
Thời gian qua dù công tác cải cách hành chính (CCHC) được chọn là một trong hai khâu đột phá của TP Hà Nội, nhưng người dân vẫn có tâm lý e ngại khi có việc phải "cậy nhờ" cơ quan chức năng để thực hiện các TTHC. Lý do là dù hầu hết các nơi đều đã thành lập bộ phận "một cửa" nhằm tạo điều kiện tối đa trong việc giảm phiền hà cho người dân, song vấn đề lại ở chỗ thái độ và phong cách làm việc của chính những cán bộ thực thi nhiệm vụ. Tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh" vẫn tồn tại…
Tại phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), nhìn bề ngoài, mọi người dân đến đăng ký làm TTHC sẽ hoàn toàn hài lòng với cơ sở vật chất, sự sắp xếp khá gọn gàng, ngăn nắp từng vị trí làm việc của mỗi cán bộ ở bộ phận tiếp dân. Thế nhưng, thực tế công việc lại không như vậy. Bà Lê Thị P., một công dân trên địa bàn phường này phản ánh, bà thật sự thấy ngại khi phải đi làm thủ tục giấy tờ tại phường vì đã từng bị rơi vào tình trạng "dở khóc dở cười". Đó là lần bà đến xin làm thủ tục xác nhận lý lịch cho cô con dâu đi xin việc. Đến phòng tiếp nhận giải quyết TTHC, tuy không phải xếp hàng chờ đợi nhưng bà cũng đã "vấp" phải một việc khó và bức xúc khi nữ cán bộ ở bộ phận "một cửa" chỉ cho bà vị trí chiếc máy photo copy ở góc phòng làm việc và dặn bà photo toàn bộ tập hồ sơ để chứng thực. Sau vài phút lúng túng, bà trình bày hoàn cảnh, năm nay đã gần 60 tuổi, mắt kém, chưa bao giờ sử dụng máy photo copy nên e rằng không thể làm được và ngỏ ý nhờ nữ cán bộ này giúp. Chị này miễn cưỡng đứng dậy với thái độ khó chịu, cầm tập hồ sơ của bà P. xếp vào máy photocopy, bấm nút, rồi dặn bà P. chờ lấy và đóng ghim cẩn thận rồi hãy chuyển lại cho cán bộ tiếp nhận. Hồ sơ được photo xong nhưng có số lượng tới hơn chục tờ, khiến bà P. loay hoay không biết sắp xếp thế nào. Bà đành ôm cả tập hồ sơ gốc và bản sao tới nhờ nữ cán bộ kia giúp. Không những không giúp bà P., nữ cán bộ còn "lên giọng": Bác không nhìn thấy chúng tôi quá nhiều việc hay sao? Bà P. bấm bụng, cố gắng sắp xếp lại tập hồ sơ nhưng mất 30 phút bà vẫn không thể làm nổi. Bất đắc dĩ, bà đành một lần nữa khẩn cầu nhờ nữ cán bộ nọ. "Tôi đang rất nhiều việc, có thế mà bác cũng không làm nổi à?" - Bị nữ cán bộ trẻ, kém tuổi con mình quát mắng, bà P. bị "sốc" nên đã tăng huyết áp, đứng không vững. May mắn, bà được một nam thanh niên cũng ở bộ phận "một cửa" chạy lại đỡ, dìu ngồi xuống gần đó và chỉ trong khoảng 2 phút đã giúp bà sắp xếp gọn toàn bộ số giấy tờ. Mọi việc được giải quyết, nhưng từ đó bà P. rất sợ chuyện phải đến các cơ quan công quyền để làm TTHC.
Ông Phạm Quang Kính, ở phường Phúc Đồng (quận Long Biên) năm nay đã 80 tuổi, lại vừa qua trận ốm, nên khi được cán bộ ở chi hội người cao tuổi khu dân cư thông báo đi làm thủ tục để hưởng chế độ người cao tuổi theo quy định của Nhà nước, ông Kính đành nhờ con dâu giúp. Chị Đặng Thúy Ng., con dâu ông Kính viết đơn theo hướng dẫn và đến UBND phường Phúc Đồng xin xác nhận cho bố chồng và được phường hướng dẫn sang phường Cửa Nam (nơi ông Kính đăng ký hộ khẩu) để được giải quyết.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” của UBND phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình). Ảnh: Bảo Lâm |
Tại phường Cửa Nam, chị Ng. lại được hướng dẫn về phường Phúc Đồng giải quyết. Chị Ng. cố gắng phân trần, nhưng cán bộ tiếp dân ở bộ phận "một cửa" phường Cửa Nam quả quyết chỉ có chính quyền nơi ông Kính cư trú mới giải quyết được. Lại vượt hơn chục cây số, quay lại phường Phúc Đồng trình bày nhưng cán bộ phường kiên quyết từ chối tiếp nhận, giải quyết. Sau hơn hai tháng chạy qua chạy lại nhưng không có kết quả, cực chẳng đã, chị Ng. đành đến Báo Hànộimới để "cầu cứu" Người Xây Dựng (chuyên mục "Mỗi ngày một chuyện" do Ban Bạn đọc phụ trách). Và sau khi báo có bài phản ánh, cán bộ khu phố nơi ông Kính cư trú đã đến thông báo đơn của ông Kính được phường Phúc Đồng tiếp nhận và giải quyết.
Cuối tháng 12-2012, bà H.Đ.P ở phường Trung Hòa đến bộ phận "một cửa" quận Cầu Giấy làm thủ tục sang tên sổ đỏ. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đưa bà một số giấy tờ cần kê khai và một tờ giấy liệt kê những loại giấy tờ cần phải nộp. Nhìn các mục phải kê khai hoa cả mắt, bà P. không biết khai thế nào đành nhờ nam thanh niên ở bộ phận "một cửa" hướng dẫn. Đổi lại, bà nhận được câu trả lời "nhiều việc, không có thời gian". Nói vậy nhưng vị cán bộ này cũng "tận tình" khuyên bà nên đi sao thêm mẫu kê khai khoảng… một hai chục bản vì chắc cũng phải mất chừng đó thì mới có thể kê khai chính xác từng khoản mục. Sau này, nhiều người biết chuyện đều trách bà P… không tinh ý (?).
Với những trường hợp cụ thể nêu trên cho thấy, tại cơ sở vẫn còn biểu hiện tình trạng cán bộ cửa quyền, thờ ơ về trách nhiệm. Phải chăng vẫn đang tồn tại "một cửa - nhiều khóa"? Công tác CCHC chưa đạt được thực chất của vấn đề? Cán bộ tại bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông" chưa đủ về số lượng và chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng? Việc giám sát thực hiện CCHC tại cơ sở chưa thường xuyên, liên tục?…