Bài cuối: Ký ức không thể phai mờ

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:05, 29/01/2013

(HNM) - Một ngày cuối đông Nhâm Thìn, chúng tôi may mắn được trò chuyện với nhà ngoại giao lão thành Nguyễn Khắc Huỳnh về Hiệp định Paris...


Vừa chuẩn bị “đánh” vừa nghĩ tới “đàm”

Ông Nguyễn Khắc Huỳnh nhớ lại: Cái cuộc mà tôi tham gia hơi kỳ lạ một chút. Đòn Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân diễn ra đêm mùng 1 Tết. Sáng mùng 2, lãnh đạo hẳn là đã tính chuyện phải “đàm” với Mỹ từ trước nên đã triệu tập một nhóm nhỏ, trong đó có ông Huỳnh. Trong lúc cả nước đang bàn chuyện tết và nghe tin từ chiến trường thì ông được triệu tập vào nhóm chuẩn bị đàm phán. 

Ông Nguyễn Khắc Huỳnh, người đứng thứ hai từ trái sang.


Ký ức đó không phai mờ trong tâm trí nhà ngoại giao lão thành. Đêm đó, ông cùng đồng nghiệp thức trắng để nghe tin từ chiến trường. Sáng mùng 2 tết, nhóm nhỏ được phổ biến chuẩn bị nghiên cứu để đàm phán. Lúc mới nghe lệnh chưa biết là đàm phán giữa ai với ai, suy nghĩ một hồi mới đoán chắc là đàm phán với kẻ thù. Ông cùng đồng nghiệp tỏa ra tìm tòi những kinh nghiệm về đàm phán quốc tế để vận dụng. Ông Huỳnh tìm và đọc lại các tư liệu về đàm phán Genève, đàm phán Đà Lạt… để thấy chúng diễn ra như thế nào, thành phần ra sao, có những vấn đề gì phải đặt ra. Đọc rất kỹ về đàm phán của Algieria với Pháp, lúc đó ông Huỳnh chú ý nhất chi tiết là khi đàm phán, Mặt trận Algieria nhân nhượng cho phía Pháp một căn cứ. Ông đã ghi lại chi tiết này để lưu ý rằng sau này phía Mỹ đòi để lại một căn cứ thì ta phải phản ứng ra sao.

Cho đến ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố hạn chế ném bom miền Bắc. Nhóm công tác đặc biệt đến gác hai của nhà một người bạn trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào thức trắng một đêm để dự thảo bản trả lời Tổng thống Johnson. Đêm đó, họ đã cân nhắc từng từ ngữ. Nhóm nhận được chỉ đạo rằng, Bộ Chính trị cho phép gặp Mỹ nên họ sẽ phải trả lời được gặp nhưng cũng phải tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi: Gặp để làm gì? Gặp như thế nào? Đã đi đến đàm phán chính thức chưa? Tất cả điều đó phải thể hiện trong tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH).

Ông Huỳnh nhớ rõ từng chi tiết nhỏ trong đêm đó. Họ suy nghĩ rất kỹ rồi thể hiện là chưa phải là gặp gỡ mà chỉ là tiếp xúc (contact) và cũng không phải là đàm phán, không phải là nói chuyện. Nhưng vấn đề đặt ra là tiếp xúc để làm gì? Nhóm thử đề xuất: “Tiếp xúc với Mỹ để buộc Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc”. Sau khi cân nhắc chữ “buộc” có ngoại giao không, có văn hóa không, họ bác đi. Có người đề xuất thay bằng chữ “đòi” nhưng “đòi” thì có phần thô bạo. Sau đó, họ đề xuất một loạt từ khác như thương lượng… Cuối cùng, “chúng tôi tìm ra được một chữ mọi người đều vỗ tay khen hay khi đưa ra bàn bạc”, ông Huỳnh kể, “đó là chữ xác định”. Câu đầy đủ sẽ là: “Mặc dầu Mỹ chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của VNDCCH, nhưng VNDCCH sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với phía Mỹ để xác định (determine) việc Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc”. Ông Nguyễn Khắc Huỳnh nhận định, chữ xác định ở đây rất chắc chắn và khách quan, vừa có bàn, vừa có thỏa thuận và khẳng định dứt khoát.

Khi đã vào nhóm công tác này, ông Nguyễn Khắc Huỳnh cùng các đồng nghiệp biết mọi cuộc tiếp xúc giữa ta và Mỹ. Ông rất tự hào vì thuộc về một nhóm ít người không bị động trong việc đàm phán với Mỹ. Câu chuyện của ông khẳng định sự sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng của lãnh đạo Đảng và Chính phủ ta, khi mà chúng ta vừa chuẩn bị “đánh” vừa nghĩ tới “đàm”.

Để đi đến việc ký kết Hiệp định Paris, chúng ta đã trải qua gần 5 năm đàm phán, vượt qua không biết bao nhiêu điều khác biệt, những điểm bất đồng. Đàm phán chính thức bắt đầu từ ngày 13-5-1968. Nhưng trước đó, từ năm 1966 đến 1968 đã có những cuộc tiếp xúc bí mật giữa hai bên. Phía Mỹ đã chủ động đề nghị tiếp xúc với Việt Nam tại Myanmar, Liên Xô…

Thắng lợi của không chỉ Việt Nam

Ông Nguyễn Khắc Huỳnh khẳng định, đến khi chính thức ngồi vào bàn đàm phán, “giữa ta và Mỹ tồn tại một núi bất đồng”. Bởi vì hai nước có mục tiêu khác nhau, đường lối đấu tranh khác nhau. Một bên xâm lược muốn duy trì chiếm đóng miền Nam, còn một bên muốn độc lập, thống nhất đất nước. Tóm lại, có những quan điểm khác nhau về một loạt vấn đề như là: rút quân, chính trị nội bộ miền Nam, tù binh, ngừng bắn, khu phi quân sự, bồi thường, vấn đề Lào, Campuchia…

Với tư cách vừa là nhà ngoại giao vừa là người nghiên cứu lịch sử ngoại giao, ông Nguyễn Khắc Huỳnh đánh giá: “Hiệp định Paris với độ lùi thời gian 40 năm sẽ cho chúng ta cái nhìn kỹ hơn, sâu hơn và xa hơn”. Có những người nhìn Hiệp định Paris hơi gần, đến 1975 là hết, hoặc có nghĩa chỉ thấy Hiệp định Paris đến lúc thống nhất đất nước mà không thấy được độ dài giá trị và ý nghĩa của Hiệp định với vị thế của đất nước ta.

Theo ông, Hiệp định Paris là thắng lợi ngoại giao lớn nhất trong lịch sử. Ông cha ta kết hợp “đánh” với “đàm” từ xưa và có lẽ người sử dụng cả đánh, đàm thành công sớm nhất là cụ Lý Thường Kiệt, rồi tiếp theo là cụ Nguyễn Trãi... Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hòa các mặt quân sự, chính trị và ngoại giao để làm tiền đề cho chiến thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhưng nhiều người ít để ý đến ý nghĩa quốc tế của Hiệp định Paris vì liên quan, thúc đẩy thắng lợi của cách mạng Lào và Campuchia. Nhìn ra quốc tế, đàm phán Paris là một sự kiện quốc tế lớn của thế kỷ XX chứ không chỉ là sự kiện ngoại giao lớn của riêng Việt Nam. Kinh nghiệm một nước nhỏ, yếu đàm phán ngang ngửa với một nước mạnh, giàu mà giành thắng lợi đã trở thành bài học quý báu cho những nước nhỏ khi đàm phán với những nước lớn. Cộng đồng quốc tế ngạc nhiên trước thắng lợi của Việt Nam kể cả những nước cùng phe XHCN với Việt Nam ngày đó như Liên Xô, Trung Quốc.

Hiệp định Paris không chỉ mở đường đến thống nhất Tổ quốc mà còn mở ra thời đại mới. Với đàm phán Paris, Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế hơn, hiểu phương Tây hơn và cũng làm thế giới hiểu Việt Nam hơn. Việt Nam biết, hiểu Mỹ hơn và cũng hiểu các nước khác hơn qua đàm phán ở Paris. Từ đó, nền ngoại giao Việt Nam đã có bước trưởng thành, đổi mới tư duy, thấy rõ được tầm quan trọng của quan hệ quốc tế. Trên chiến trường chúng ta chưa buộc Mỹ kết thúc chiến tranh và cam kết không trở lại can thiệp thì Hiệp định Paris buộc Mỹ cam kết rút quân, đồng thời cam kết không trở lại can thiệp.
*
* *
Mấy bữa nay, cụ già 85 tuổi vui hẳn lên vì được sống lại những ngày khó quên, vì được gặp gỡ lại bạn bè cùng những kỷ niệm một thuở gian nan mà hào hùng. Đây cũng là dịp quý để nhà ngoại giao lão thành nhìn lại tổng thể hơn, khái quát hơn về sự kiện trọng đại với dân tộc cách nay 40 năm. Đây cũng là dịp quý báu để ông hoàn thành một cuốn sách mới: “Nghệ thuật Ngoại giao Việt Nam với cuộc đàm phán Paris” vừa được NXB Chính trị Quốc gia ấn hành cuối năm 2012.

Đức Trường