Ngành chăn nuôi tổ chức lại sản xuất để phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 06:25, 28/01/2013

(HNM) - Năm 2012, ngành chăn nuôi cả nước gặp rất nhiều khó khăn khi giá thức ăn và các nguyên liệu liên tục tăng nhưng giá "đầu ra" giảm mạnh. Ở thời điểm hiện tại, giá thịt gia súc, gia cầm (GS, GC) đã nhích lên nhưng chưa kích thích sản xuất nhiều...

Năm 2013 ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn.


Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, năm 2012 là năm khó khăn nhất của ngành chăn nuôi cả nước khi giá đầu vào tăng 40%, giá đầu ra giảm 60%, khiến hàng loạt hộ chăn nuôi phải "treo" chuồng. Dịch bệnh trên đàn GS, GC diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng, làm phát sinh chi phí và gây tâm lý lo ngại cho người chăn nuôi. Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, cả nước có 4,13 triệu hộ chăn nuôi lợn và 7,9 triệu hộ chăn nuôi gia cầm trong tổng số 10,37 triệu hộ nông nghiệp. Thiếu đất, thiếu vốn và lãi suất tín dụng cao đang hạn chế phát triển chăn nuôi, nhất là trang trại công nghiệp. Nhập GS, GC từ các tỉnh biên giới tiềm ẩn nguy cơ cao phát tán dịch bệnh và ảnh hưởng tới chăn nuôi trong nước. Bên cạnh đó, đến 80% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) của Việt Nam phải nhập khẩu với giá trị lên đến 3 tỷ USD mỗi năm. Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nước ngoài dẫn đến giá thành sản xuất của ngành chăn nuôi Việt Nam rất cao.

Ông Nguyễn Đình Viện, chủ hộ chăn nuôi ở Thường Tín cho biết, từ đầu tháng 12-2012 giá lợn đã tăng lên từ 50.000 đến 51.000 đồng/kg, với giá này người chăn nuôi rất phấn khởi vì đã có lãi. Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, giá lợn sẽ tăng hơn so với thời điểm giữa năm 2012. Nếu trong năm 2013, Nhà nước không có giải pháp hỗ trợ kịp thời thì không chỉ các hộ nuôi nhỏ lẻ mà trang trại nuôi lớn cũng không "trụ" được.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), năm 2013, ngành chăn nuôi tiếp tục đối mặt với thách thức mới. Việc kiểm soát dịch bệnh, chất lượng vật tư và an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi còn nhiều bất cập, tiềm ẩn rủi ro… Để phát triển bền vững và tạo giá trị gia tăng, ngành chăn nuôi cần tổ chức, tái cơ cấu sản xuất theo hướng giảm tỷ trọng sản phẩm thịt lợn, tăng thịt gia cầm, ổn định gia súc ăn cỏ nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Các địa phương cần sớm quy hoạch vùng chăn nuôi hàng hóa, xa khu dân cư. Ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương cần khuyến khích chăn nuôi theo mô hình sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất đến tiêu thụ.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang cho rằng, về lâu dài để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tăng năng suất. Tổ chức lại hệ thống và áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi từ khâu giống, thức ăn đến vệ sinh an toàn dịch bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Các ngành cần khuyến cáo người chăn nuôi phải chủ động, tự giác hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh để giảm tối đa thiệt hại về kinh tế và không ảnh hưởng tới môi trường sống.

Mục tiêu của ngành chăn nuôi năm 2013 phấn đấu đạt giá trị sản xuất tăng 6%; tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 4,56 triệu tấn, tăng 4,8%; sản lượng thịt lợn hơi đạt 3,27 triệu tấn, tăng 3%; sản lượng thịt gia cầm đạt 851,2 nghìn tấn tăng 2%; sản lượng trứng là 8,34 tỷ quả, tăng 11%... so với năm 2012.

Ngọc Quỳnh