Giữ ấm khi ra đường phòng bệnh dị ứng

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:11, 28/01/2013

Khi đi ngoài trời lạnh tôi rất hay bị nổi ban đỏ đầy người rất ngứa, sau đó vài giờ lại tự khỏi. Bác sĩ nói tôi bị dị ứng thời tiết. Xin hỏi bệnh này như thế nào và có nguy hiểm không?


(Chị Lê Thị Hương, Mê Linh)


Bệnh dị ứng thời tiết (còn gọi là bệnh mề đay) có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới, vùng, miền và xảy ra đột ngột. Triệu chứng điển hình nhất của bệnh là nổi các vùng ban đỏ trên da và ngứa. Vùng ban đỏ có thể ở dạng thành vòng, dạng vạch, dạng xuất huyết, dạng mụn nước hoặc là dạng phù Quinke (sưng mặt, mí mắt, môi, bộ phận sinh dục). Bệnh xuất hiện do phản ứng quá mẫn giữa kháng thể có sẵn trong cơ thể khi gặp kháng nguyên lạ (dị nguyên). Nguyên nhân gây bệnh có thể do di truyền, nhưng chủ yếu là do yếu tố cơ địa, tức là cơ thể dễ nhạy cảm với các yếu tố kích thích như nóng, lạnh đột ngột, một số thức ăn, phấn hoa, vi nấm, vi khuẩn, giun sán… Ở một người có cơ địa dị ứng, như bị chàm, tổ đỉa, viêm da dị ứng, hen suyễn, viêm mũi, viêm xoang dị ứng… với sự thay đổi của thời tiết, nhất là lạnh thì bệnh càng dễ tái phát.

Điều đáng lưu ý là bệnh mề đay cũng có thể xảy ra ở tổ chức não gây phù não hoặc xảy ra ở đường hô hấp như thanh - khí quản gây phù nề, khó thở cấp tính rất nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, khi nghi ngờ bị bệnh nên đến bệnh viện khám, điều trị dứt điểm và đề phòng biến chứng xảy ra. Người có tiền sử bệnh mề đay nên kiêng các loại thức ăn dễ phát bệnh như tôm, cua, ốc; không nên uống rượu, bia; mùa lạnh cần mặc đủ ấm, nhất là khi ra khỏi nhà; giữ vệ sinh môi trường sống, vệ sinh răng miệng, mũi họng để tránh mắc các bệnh do vi sinh vật gây ra bởi các độc tố của chúng và cũng là các loại dị nguyên lạ đối với cơ thể…

BS Nguyễn Hùng