Bài học nhớ đời
Xã hội - Ngày đăng : 07:20, 27/01/2013
Lại còn thêm chút nhấn nhá hài hước nữa. Tất cả các cuộc thi văn nghệ của trường, bao giờ lớp tôi cũng giành được giải cao nhờ có tiết mục hài kịch của tôi. Hễ tôi nghỉ học là hôm sau thể nào các bạn cũng bảo: "Không có nghệ sĩ, cả lớp mất vui!", "Vắng cậu, cả ngày hôm qua chán chết, dài lê thê"... Được cô và các bạn tán giương, tôi càng năng trổ tài. Hễ thấy ai có gì "bất thường tí ti" là tôi chớp ngay, nhại lại…
Nhưng sao dạo này, rõ ràng là tôi diễn hay hơn, điêu luyện hơn mà các bạn lại ít cười, ít cổ vũ hơn trước, như khi tôi bắt chước bà lão ăn mày lưng còng, chân đi lết lết, mắt nháy nháy liên hồi, tay run run rờ rờ tờ tiền âm phủ mà tôi “biếu” bà ấy? Tại sao lúc tôi "nhại" điệu bộ, cô hiệu phó nâng cái kính cận dày cộp, nghiêng nghiêng đầu hỏi: "Học sinh lớp nào, hử?", có bạn thở dài, có bạn nhíu mày. Chỉ có thằng Huy và thằng Tùng cười cười chiếu cố, còn cả lũ thì lạnh nhạt, chả thèm chú ý. Tôi tiu nghỉu, mất hứng, tự nhủ: "Từ giờ đừng có mà bảo người ta thay mặt lớp đi thi văn nghệ nữa nhá!".
Tôi miên man nghĩ, không biết cô giáo đến đằng sau từ bao giờ. Cô vỗ vai tôi:
- Nghệ sĩ ơi, con có xem nghệ sĩ xiếc đi trên dây không? Thật tài, thật khéo, đúng không nào? Nhưng nếu chỉ trượt chân chút xíu thôi thì sao nào?
- Dạ, thì ngã nhào ạ! - Tôi hồn nhiên đáp.
- Đúng rồi. Trò hài hước của con cũng nhiều lúc nguy hiểm vậy đấy. Con pha trò đúng mức thì rất hay, nhưng quá đà, vô ý một chút là thành quá trớn, hư hỗn, thành xúc phạm người khác, con ạ. Bác bảo vệ trường ta là thương binh. Sao con lại mang thương tật ra để chế giễu được chứ? Người nghệ sĩ tài năng là người trước tiên có một trái tim nhạy cảm và nhân ái, con ạ. Cô nói thế, nghệ sĩ có hiểu không?
Tôi ngượng ngùng lí nhí:
- Con… con hiểu rồi ạ!
Suốt bấy lâu nay tôi cứ tưởng chỉ là đùa cho vui thôi. Tôi thích trổ tài, thích khoe khoang năng khiếu… Thì ra, có lúc các bạn không tán thưởng tôi pha trò, không phải vì tôi diễn kém, mà vì tôi đã không biết chọn trò để diễn.