Phải là cuộc hợp tác vô thời hạn
Văn hóa - Ngày đăng : 06:47, 27/01/2013
Đó là lễ ký kết với sự có mặt của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam về chương trình phối hợp giữa hai cơ quan trên nhằm "Phát triển văn học trong nhà trường và nhà trường với văn học giai đoạn 2013-2020".
Dễ thấy, lâu nay trên rất nhiều diễn đàn, cả diễn đàn giáo dục và văn học nghệ thuật, những người có trách nhiệm đã không ngần ngại chỉ ra thực tế đáng buồn của việc giảng dạy văn học cũng như học văn trong nhà trường đang đi xuống. Mới đây nhất, tại cuộc hội thảo toàn quốc sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử, nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng lên tiếng về vấn đề này. Rất nhiều bài tập làm văn "kinh hoàng" của học sinh còn được đưa lên mạng, trở thành một mục riêng để gây cười. Rộng hơn, gia đình và xã hội cũng dần coi rẻ ngành khoa học xã hội và nhân văn. Người ta nói vui thôi mà ngẫm ra xót xa: "Một người làm quan cả họ được nhờ nhưng một người làm thơ thì cả họ bơ phờ"…
Vậy thì cuộc hợp tác trên có ý nghĩa như thế nào? Sẽ có những nội dung cụ thể được hai bên phối hợp thực hiện trong thời gian tới, như định hướng xây dựng chương trình và sách giáo khoa môn ngữ văn từ sau năm 2015; nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp dạy và cách đánh giá kết quả của học sinh trong môn ngữ văn; tăng cường hoạt động giao lưu văn học, sáng tác văn học giữa giáo viên, học sinh với nhà văn…
Lãnh đạo của cả hai cơ quan trên đều coi đây là một sự kiện vô cùng quan trọng của cả ngành giáo dục cũng như của nền văn học nước nhà.
Ta biết, văn hóa trong nghĩa nguyên thủy du nhập từ tiếng Hán là "dùng văn để giáo hóa", nghĩa là tự thân văn và giáo đã có ở trong nhau. Đề án nào với yêu cầu hành chính cũng cần có thời hạn, nhưng cuộc ký kết và hợp tác này phải mang ý nghĩa vô thời hạn thì mới mong văn học bén rễ trong "thánh đường" (chữ dùng của nhà thơ Hữu Thỉnh) của nó là nhà trường và ngược lại, từ nhà trường, văn học bước ra đời sống trở thành động lực thực sự cho phát triển văn hóa.